Quy định của Bộ Y tế mới đây bắt người dân phải viết giấy cam kết khi không đồng ý tiêm vắc-xin mũi bốn, và phải chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh đang vấp phải phản ứng trái chiều của người dân khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã không còn nghiêm trọng.
Một đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM giải thích với phóng viên báo Thanh Niên, cho rằng yêu cầu ký bản cam kết là thực hiện theo thông báo kết luận của Bộ Y tế, tuy nhiên đến nay bộ này cũng không hướng dẫn gì thêm việc chịu trách nhiệm ra sao.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do hỏi những Facebooker, nhà hoạt động nhân quyền... qua tin nhắn thì một số người tỏ ra không đồng tình với yêu cầu của Bộ Y tế.
Trong số 18 người được phỏng vấn, có bảy người phản đối việc ký cam kết không tiêm mũi vắc-xin nhắc lại hoặc không đồng tình, những người còn lại thì im lặng hoặc từ chối trả lời.
Trên tư cách là luật gia, ông Bùi Quang Thắng từ Hà Nội cho biết qua ứng dụng Messenger rằng việc yêu cầu người dân phải ký cam kết nếu không đồng ý sử dụng vắc-xin COVID-19 là không có cơ sở pháp lý. Ông nói:
“Khoản 1, Điều 29, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc-xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
Điểm a, Khoản 2, Điều 30, Luật nêu trên quy định: Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.
Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc ban hành kèm theo Thông tư 38/2017/TT-BYT không có bệnh COVID-19. Vì vậy, COVID-19 không phải là bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin bắt buộc.”
Còn blogger Nguyễn Quang Vinh thì cho rằng, quyết định đưa thuốc chủng ngừa vào cơ thể là quyền của mỗi cá nhân.
“Quyết định tiêm hay không là quyền tự do của từng cá nhân. Không thể bắt người dân ký cam kết để chính quyền này phủi tay khi người dân chẳng may bị mắc COVID.”
Ông này cho biết, bản thân đã tiêm hai mũi vắc-xin và không có ý định tiêm thêm vì ông cảm thấy ông có thể tránh được dịch COVID này.
Nhà hoạt động xã hội, Facebooker Phương Ngô thì cho biết Hiến pháp Việt Nam quy định quyền bất khả xâm phạm thân thể, và đặc biệt trong hoàn cảnh mà cả nước đã có miễn dịch cộng đồng tự nhiên phủ kín toàn quốc thì yêu cầu người dân ký cam kết là không hợp lý.
Theo thống kê của Our World in Data, đến ngày 25/6 cả nước Việt Nam đã tiêm 230 triệu liều vắc-xin, trong đó có hơn 80 triệu người tiêm đầy đủ hai liều, chiếm gần 83% dân số cả nước.
Facebooker Đỗ Thế Đăng, thành viên của đội bóng No-U Hà Nội nói:
“Đây là một sự rũ bỏ trách nhiệm rất là tinh vi. Bởi vì người dân có quyền của họ và việc bắt viết cam kết là sự rũ bỏ trách nhiệm của chính quyền. Đối với anh, anh từ chối không ký.”
Báo Lao Động hôm thứ hai có bài viết với tiêu đề " Ký cam kết nếu không tiêm vắc-xin COVID-19 mũi ba, bốn: Cần quy định cụ thể", trong đó dẫn ý kiến của người dân ở thành phố Thủ Đức đồng ý với yêu cầu của Bộ Y tế, tuy nhiên bà này cho rằng cần có "hướng dẫn cụ thể về đối tượng, cách tiến hành và xử lý để người dân nắm bắt."
Còn theo mạng báo Tuổi Trẻ online ngày 27/6, nhiều người dân không đồng ý tiêm mũi bốn đã đồng ý ký cam kết này.
Báo này cũng dẫn lời một lãnh đạo phường ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết thực tế là, “việc ký cam kết chỉ thực hiện được trên một số người chứ thực tế không phải người nào cũng đồng ý ký” và nếu người dân không chịu tiêm mũi bốn và cũng không ký cam kết thì nhân viên y tế cũng không có cách nào khác.
Người này còn nói hầu hết người dân ủng hộ việc tiêm hai mũi đầu tiên và một mũi tăng cường, nhưng chỉ có một số ít người dân ủng hộ việc tiêm mũi nhắc lại (mũi thứ tư).
Ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong chiều 27/6 khẳng định với báo giới, việc tiêm nhắc lại là cần thiết trong bối cảnh virus SARS-COV-2 có những biến đổi khôn lường.
Một quan chức khác thì cho biết , trong kho dự trữ còn khoảng 15 triệu mũi tiêm vắc-xin COVID-19 có hạn sử dụng từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay, nhưng việc thúc đẩy người dân tiêm không phải do dư thừa thuốc chủng ngừa.