Putin đến thăm Việt Nam, Mỹ chỉ trích Hà Nội

0:00 / 0:00

Nhiều quan chức cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Hà Nội trong tuần này, nhấn mạnh lòng trung thành của Việt Nam đối với Nga và khiến Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Hà Nội tránh hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào cuối tuần trước trong khi cử Thứ trưởng Ngoại giao tới cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (tên viết tắt: BRICS) ở Nga vào đầu tuần trước.

Các quan chức cho biết ông Putin, người mới tuyên thệ nhậm chức lần thứ năm chỉ hơn một tháng trước, dự kiến ​​sẽ gặp tân Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, và các nhà lãnh đạo khác trong chuyến thăm hai ngày tới Hà Nội vào ngày 19 và 20/6/2024.

Hoa Kỳ, quốc gia đã nâng cấp quan hệ với Hà Nội vào năm ngoái và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đã phản ứng gay gắt.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói với Reuters khi được hỏi về tác động của chuyến thăm đối với mối quan hệ với Hoa Kỳ: “Không quốc gia nào nên tạo cho Putin một diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và mặt khác cho phép ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”.

Người phát ngôn nói thêm: "Nếu ông ấy có thể đi lại tự do, điều đó có thể bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga", đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine mà Putin phát động vào tháng 2 năm 2022.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại Hà Lan đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga vào tháng 3 năm 2023 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Việt Nam, Nga và Mỹ không phải là thành viên của ICC.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà quan sát chính trị quốc nội cho rằng, việc Tổng thống Nga đến thăm Hà Nội sẽ không có lợi gì cho Việt Nam. Từ Đức, ông nói qua điện thoại:

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc điện đàm ngày 26/3 vừa qua đã có lời mời ông Putin đến thăm Việt Nam và như vậy phía nhà nước Việt Nam đã bất chấp những quy định của quốc tế. Mặc dù họ không phải là thành viên của Tòa án hình sự quốc tế (ICC), tuy nhiên họ lại mời một tội phạm bị quốc tế truy nã thì đây là một sự thách thức đối với luật pháp quốc tế."

Cũng theo luật sư Đài, Mỹ mặc dù không hài lòng với chuyến đi này của ông Putin nhưng nó sẽ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai bên vì Mỹ và cả EU đều rất cần Việt Nam trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc trên bình diện khu vực cũng như thế giới.

Liên minh châu Âu, một đối tác kinh tế quan trọng khác của Việt Nam, không bình luận trước chuyến thăm, nhưng bày tỏ sự không hài lòng vào tháng trước về quyết định của Hà Nội trì hoãn cuộc gặp với đặc phái viên EU về lệnh trừng phạt Nga - một sự chậm trễ mà các quan chức cho là có liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Putin.

Theo quan điểm của Hà Nội, chuyến thăm nhằm "chứng minh rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, không thiên vị bất kỳ cường quốc nào", Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore cho biết, theo sau chuyến thăm Việt Nam của hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình trong những tháng gần đây.

Năng lượng, vũ khí và công nghệ

Hai quan chức nói với Reuters rằng trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam kể từ năm 2017 và là lần thứ năm tổng cộng, ông Putin dự kiến ​​sẽ công bố các thỏa thuận trong các lĩnh vực bao gồm thương mại, đầu tư, công nghệ và giáo dục, mặc dù điều đó có thể thay đổi.

Tuy nhiên, các quan chức từ chối tiết lộ danh tính vì vấn đề này chưa được công khai cho biết, các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ tập trung vào các vấn đề nhạy cảm hơn.

Một quan chức cho biết những cuộc đàm phán đó sẽ bao gồm: vũ khí, vốn trước đây Nga là nhà cung cấp hàng đầu cho Việt Nam; năng lượng, với các công ty Nga hoạt động tại các mỏ khí đốt và dầu mỏ của Việt Nam tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; và thanh toán, vì hai nước gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngân hàng Nga.

Không rõ liệu thông báo về các chủ đề này có được đưa ra công khai hay không.

Theo nhận định của luật sư Nguyễn Văn Đài, trong chuyến thăm lần này Tổng thống Putin có thể sẽ cam kết tiếp tục cung cấp các linh kiện, phụ tùng thay thế cho những hệ thống vũ khí của Liên Xô và sau này là Nga từng bán cho cho quân đội Việt Nam, mặc dù Moscow đang dồn toàn lực cho cuộc xâm lược ở Ukraine.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia cấp cao về an ninh Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nhận định: "Các vấn đề chính liên quan đến việc củng cố các mối quan hệ kinh tế và thương mại, bao gồm cả việc bán vũ khí".

Cũng theo chuyên gia về Việt Nam, ông Putin và các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ đồng ý thực hiện các giao dịch tiền tệ bằng đồng rúp thông qua hệ thống ngân hàng để có thể thanh toán hàng hóa và dịch vụ.

*Cập nhật lúc 7 giờ 30 ngày 17/6/2024:

Báo chí Nhà nước xác nhận Tổng thống Putin sẽ đến thăm Hà Nội trong hai ngày 19 và 20/6 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.