Công an huyện Hải Lăng, cụ thể là Trạm Cảnh sát Giao thông Hải Lăng, phủ nhận thông tin cán bộ của cơ quan này đánh đập tài xế xe tải Lê Hữu Hiếu làm ông này bị gãy một xương sườn.
Trước đó, tài xế Hiếu (30 tuổi; ngụ tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tố cáo một nhóm cảnh sát giao thông ở Trạm Hải Lăng đánh ông này, gây nhiều thương tích trong đó có một xương sườn bị gãy.
Truyền thông Nhà nước đưa tin, vào khoảng 14 giờ chiều ngày 14/5, ông Hiếu điều khiển xe tải BKS 75C-096.23 lưu thông trên Quốc lộ 1 theo hướng Quảng Trị-Huế. Khi xe đến gần khu vực Trạm CSGT Hải Lăng thì tổ tuần tra kiểm soát ra hiệu lệnh dừng lại, yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ để kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, tài xế Hiếu cho biết ông bị một nhóm 7-8 người mặc cảnh phục kéo ra phía sau xe rồi đánh vào vùng mặt và bụng. Sau đó, tài xế cùng phương tiện bị đưa về trụ sở Trạm CSGT Hải Lăng làm việc. Tại đây, công an để mặc ông ngồi dưới nền nhà và không hỗ trợ y tế cho dù ông liên tục kêu đau
Đến tối cùng ngày, người thân tài xế Hiếu đã đến Trạm CSGT Hải Lăng đưa ông vào Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để kiểm tra sức khoẻ. Chẩn đoán cho thấy người tài xế này bị gãy xương sườn số 6, hiện đang được theo dõi tại Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình-Thần kinh sọ não của bệnh viện này.
Theo cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Trị, xe tải do ông Hiếu điều khiển chở sắn, đã cơi nới thùng và có dấu hiệu quá tải nên tổ công tác Trạm CSGT Hải Lăng yêu cầu cân tải trọng nhưng tài xế không chấp hành. Phòng CSGT tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các cán bộ liên quan báo cáo cụ thể sự việc đã diễn ra trong khi CSGT huyện Hải Lăng phủ nhận lời tố cáo của tài xế Hiếu.
Vào ngày 15/5, chủ xe tải cho biết nhà xe đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để gửi cơ quan công an tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để làm rõ vụ hành hung này.
Trao đổi với phóng viên báo Giao Thông, luật sư Duyên Trần (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) nói rằng về nguyên tắc lực lượng công an có nghĩa vụ phục vụ nhân dân nên trước các nhu cầu chính đáng và cần thiết (trong trường hợp này là đề nghị hỗ trợ y tế cho người bị gãy, rạn xương sườn) thì phía công an và cả những người khác có mặt ở đó nên đưa tài xế đi cấp cứu kịp thời.
Bà cũng nói rằng căn cứ quy định pháp luật hiện hành, hành vi đánh người gây thương tích và làm tổn hại đến sức khỏe của người khác là vi phạm pháp luật.
Việc tài xế bị hành hung bởi lực lượng cảnh sát giao thông hay nhóm côn đồ có liên hệ với cảnh sát giao thông xảy ra ở nhiều địa phương ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Đã có vụ hành hung như thế gây ra hậu quả nghiêm trọng như vụ hai sỹ quan công an Bùi Đức Nghĩa và Nguyễn Tuấn Anh thuộc Công an quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ) đánh ông Nguyễn Chí Hiếu đến chết trong đêm 09/8/2018. Hai sỹ quan công an này bị tước quân tịch và cùng bị kết án 8 năm tù về tội danh "cố ý gây thương tích.”
Vụ điển hình thứ hai là sỹ quan cảnh sát Phạm Sỹ Hoài Như của Đội CSGT công an quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) bị kết tội "cố ý gây thương tích" vì đã gây ra cái chết của ông Nguyễn Văn Chín. Vào tối 25/6/2014, tổ kiểm tra hành chính do Như làm tổ trưởng đã giữ ông Chín vì nghi ông này sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe. Vì ông Chín phản ứng khi bị lập biên bản vi phạm hành chính về lỗi "điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn vượt mức cho phép," Như gọi côn đồ tới đánh đập ông này tới chết. Sau này, Như bị đuổi khỏi ngành công an và bị kết án 12 năm tù.