Các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc vào Việt Nam khai thác nguồn đất hiếm

Các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc bao gồm cả những hãng sản xuất cho Apple đang mở các nhà máy tại Việt Nam để tận dụng nguồn đất hiếm tại quốc gia Đông Nam Á này vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung làm ảnh hưởng đến nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.

Reuters hôm 22/9 dẫn các nguồn tin giấu tên biết về thông tin này và các tài liệu liên quan cho biết Tập đoàn Hàn Quốc SGI và công ty Trung Quốc Baotou INST Magnetic sẽ cùng một số các công ty khác trong các lĩnh vực điện tử, xe hơi chuyển dịch dây chuyền sản xuất của họ để tránh những hạn chế về thương mại đang gia tăng.

Trung Quốc hiện là quốc gia chiếm ưu thế trên thế giới về nam châm và đất hiếm. Nam châm đất hiếm được sử dụng nhiều trong các sản phẩm điện tử, turbine điện gió, vũ khí, điện thoại di động vốn là các ngành công nghiệp chiến lược quan trọng.

Nước láng giềng với Trung Quốc là Việt Nam được coi là quốc gia có lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới chưa được khai thác.

Dự án SGI tại Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt sản lượng 5.000 tấn nam châm đất hiếm (NdFeB)) loại cao cấp mỗi năm vào năm 2025, đủ để sản xuất hai triệu xe hơi điện.

Mặc dù vậy, Việt Nam mới chỉ sản xuất được khoảng 1% lượng nam châm trên thế giới, theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ. Còn số này của Trung Quốc là 92%.

Trong khi đóm, các nhà máy của Trung Quốc sản xuất lượng nam châm gấp 10 lần sản lượng của dự án SGI tại Việt Nam.

Nhà máy của SGI khi đạt công suất cao nhất có thể được gần 3% sản lượng toàn cầu vào năm 2022 theo ước tính của Project Blue (một công ty tư vấn vật liệu). Số lượng này tương đương gần một nửa lượng nhập khẩu nam châm đất hiếm neodymium của Mỹ hồi năm ngoái, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.

Giới chức Hoa Kỳ cũng cho thấy tín hiệu là Mỹ quan tâm đến tiềm năng đất hiếm của Việt Nam vào khi hai nước đang đàm phán để đưa quan hệ đối tác toàn diện thành đối tác chiến lược trong năm nay.

Hàn Quốc hồi tháng sáu vừa qua cũng vừa ký một thỏa thuận quan trọng với Việt Nam để thúc đẩy việc khai thác đất hiếm nhằm cung ứng cho các ngành công nghiệp của Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất nam châm cũng bị hấp dẫn bởi thị trường Việt Nam do lao động giá rẻ và một loạt các thỏa thuận tự do thương mại mà Hà Nội ký kết với các nước. Họ cũng muốn chuyển về gần hơn với các khách hàng có trụ sở tại Việt Nam như các hãng sản xuất xe hơi, hàng điện tử vốn đang ngần ngại việc lệ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc.