Cựu thư ký Thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên bị đề nghị án tử hình

Trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đang được xét xử tại Hà Nội, chỉ có một bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình vì hành vi nhận hối lộ "trắng trợn nhất" đó là ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký cho Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, sáng 17/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đề nghị 21 người ở nhóm “Nhận hối lộ” mức án từ hai đến 20 năm tù, riêng ông Phạm Trung Kiên bị đề nghị tử hình.

Trong nhóm bị cáo là cựu cán bộ Bộ Ngoại giao, VKS đề nghị phạt Nguyễn Quang Linh, trợ lý của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh : 7-8 năm; Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Ngoại giao: 12-13 năm; Nguyễn Hương Lan, cựu cục trưởng Lãnh sự: 18-19 năm; Đỗ Hoàng Tùng, cựu cục phó Lãnh sự: 9-10 năm.

Ở nhóm tội “Chạy án”, Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội, bị đề nghị 6-7 năm về tội Môi giới hối lộ; Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an: 19-20 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phiên xử sơ thẩm đại án “chuyến bay giải cứu” đối với 54 bị cáo bắt đầu từ ngày 11/7 vừa qua và theo dự kiến sẽ kéo dài 30 ngày.

Trong đại dịch COVID-19, kể từ tháng 2/2020, Việt Nam tổ chức hơn 1.000 chuyến bay với mục đích đưa 240 ngàn công dân bị mắc kẹt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ duyệt hơn 770 chuyến bay với mục đích vừa nêu; trong đó có 400 chuyến bay “giải cứu”, hơn 370 chuyến bay gọi là “combo”.

Có hai chục doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân tham gia tổ chức các chuyến bay đó. Họ đã nâng giá vé; đặt ra nhiều chi phí “phát sinh” buộc người muốn về nước phải trả.

Kết luận của Cơ quan Điều tra nêu rõ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng là người phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay giải cứu do Cục Lãnh sự trình, và sau đó gửi đến thành viên trong tổ công tác thuộc năm bộ xin ý kiến.