Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới-RSF, lên tiếng về tình trạng đối xử tệ hại ngày càng tăng đối với những nhà báo bị tù ở Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí được đưa ra vào ngày 7 tháng 3, RSF nêu trường hợp tù chính trị Nguyễn Văn Hóa tiếp tục cuộc tuyệt thực kéo dài sang tuần lễ thứ hai nhằm phản đối việc bị đánh đập trong khi giam giữ.
RSF nhắc lại anh Nguyễn Văn Hóa bị bắt từ tháng giêng năm 2017 và đang phải thụ án 7 năm tù giam. Từ ngày 22 tháng 2, Nguyễn Văn Hóa bắt đầu tuyệt thực và có thư gửi đến các cơ quan chức năng địa phương, tỉnh cũng như Viện Kiểm Sát Tối Cao ở Hà Nội nêu ra những trường hợp bản thân bị hành xử tệ hại.
Anh Nguyễn Văn Hóa nói sẽ tiếp tục tuyệt thực nếu như tất cả những người bị cho có tránh nhiệm trong hành vi đối xử tệ hại với anh không được điều tra theo Hiến Pháp và luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF, cho rằng hoàn toàn không thể chấp nhận việc một phóng viên bị bỏ tù chỉ vì thông tin cho đồng bào của mình và phải tuyệt thực để đòi hỏi các quyền căn bản của cá nhân được tôn trọng, trong đó có quyền không được xâm phạm thân thể.
RSF cho biết đang chuyển đến Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tra tấn tình trạng gia tăng đối xử tệ hại đối với các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam.
Trường hợp của nữ tù chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn được RSF nêu ra trong thông cáo báo chí. Theo đó thì cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, một blogger và cũng là một nhà nhiếp ảnh, bị giam cầm từ năm 2011. Cô cũng bị đối xử tệ hại như trường hợp anh Nguyễn Văn Hóa.
Gia đình cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn sống tại Trà Vinh ở miền nam trong khi đó cô bị giam ở Thanh Hóa thuộc bắc Trung phần Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2014, cô chỉ còn 35 kilogram sau những lần tuyệt thực vào năm đó. Vào tháng 3 năm 2017, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn lại phải tuyệt thực để phản đối những bạo lực mới nhất đối với cô trong trại giam.
Theo Chỉ số Báo Chí Thế giới năm 2018 của RSF thì Việt Nam xếp hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia.