Hai tháng sau khi nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị bắt, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) phát động chiến dịch trả tự do cho cô với tên #FreePhamDoanTrang, người đang bị tạm giữ điều tra với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
RSF kêu gọi Chính phủ Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo Phạm Đoan Trang, người từng được trao giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hạng mục Ảnh Hưởng.
Đi kèm với chiến dịch này là một bản kiến nghị và một video với những blogger, nhà báo và bạn bè của Đoan Trang tại Pháp, Đức, Đài Loan và Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ cho cô. Có thể kể tên những người có mặt trong video những người bạn của Đoan Trang bao gồm: bà Nguyễn Ngọc Anh, hiện đang sống ở Pháp; nhà báo Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập tờ Tạp chí Luật Khoa; Luật sư Nguyễn Văn Đài, một blogger hiện đang tị nạn chính trị ở Đức; bà Trần Thị Nga, một blogger từng bị kết án chín năm tù, hiện tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ; Nhà báo Lê Trung Khoa, biên tập viên của cổng thông tin ThoiBao.de có trụ sở tại Berlin.
Ông Daniel Bastard, đại diện RSF đặc trách Châu Á cho biết, nhờ sự dũng cảm của mình, nhà báo Phạm Đoan Trang đã trở thành biểu tượng chiến đấu đòi hỏi một bền báo chí độc lập, đáng tin cậy trong nước. Ông kêu gọi mọi người ký tên vào bản kiến nghị để Phạm Đoan Trang được trả tự do và thể hiện tình đoàn kết với xã hội dân sự Việt Nam, hiện đang chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của nhà nước.
Nhiều năm qua Việt Nam tụt hạng về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF. Năm 2020, Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia không có tự do báo chí.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang - một nhà hoạt động nhân quyền và một người viết sách nổi tiếng ở Việt Nam bị Cơ quan An ninh - Bộ Công an bắt giữ vào khuya ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt lần thứ 24 kết thúc trước đó vài giờ. Cô đang phải đối mặt với án tù 20 năm với tội danh bị áp là tuyên truyền chống nhà nước.
Ngay sau khi cô Phạm Đoạn Trang bị bắt giữ, những người bạn của cô đã đăng trên Facebook một bức thư được nói là do cô viết trước khi bị bắt. Trong thư có đoạn: “Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù”.
Cũng trong bức thư này, nhà báo Phạm Đoan Trang cũng đề nghị những người ủng hộ cô nên tận dụng cơ hội này để vận động Việt Nam có một Luật Bầu cử mới và Luật Tổ chức Quốc hội mới.