Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm do thuỷ điện Trung Quốc hạn chế xả nước

Đồng bằng sông Cửu Long bị mặn xâm nhập sớm vào đầu mùa khô 2021-2022 do các đập thuỷ điện ở Trung Quốc hạn chế xả nước khiền dòng chảy về khu vực này bị giảm mạnh.

Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam (Viện thuỷ lợi) đã thông báo tin trên trong bản tin dự báo nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và truyền thông Nhà nước đăng tải trong ngày 7/2.

Viện Thuỷ lợi cho rằng các hồ chứa ở Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện là một trong những nguyên nhân chính khiến khu vực ĐBSCL bị mặn xâm nhập sớm.

Cụ thể, tại thuỷ điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ ngày 23/1 đến nay chỉ trên dưới 700 m3/giây, tương đương một tổ máy phát điện.

Viện cũng đưa ra nhận định thời gian tới, các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế, do đó, dòng chảy còn giảm nhanh.

Với tình hình đó, theo Viện thuỷ lợi, trong mùa khô dòng chảy phụ thuộc khá lớn vào vận hành thuỷ điện ở thượng nguồn và có thể xảy ra các vận hành bất thường.

Do đó, Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam dự báo tháng 2 và 3/2022, mặn với nồng độ 4 gam/lít có thể xâm nhập sâu 50-65 km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước đối với vùng giữa ĐBSCL, tức phần đất thuộc TP Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre.

Đối với vùng ven biển, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt. Tháng 2 và 3, mặn có thể xâm nhập sâu 50-65 km, cho nên, cần tăng cường giám sát mặn.

Mặn xuất hiện sớm và kéo dài có thể cũng làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú-Tiếp Nhật.

Giáo sư Võ Tòng Xuân-Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ khẳng định với truyền thông rằng xâm nhập mặn là một thực tế đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt do biến đổi khí hậu và tác động từ phía thượng nguồn. Do đó, ông cho rằng nếu không có quyền bắt TQ phải xả nước thì VN phải biết sử dụng nước ngọt theo cách thông minh hơn để giảm nguy cơ bị hạn mặn xâm nhập.

Năm ngoái, Ủy hội sông Mekong (MRC) đã thông báo mực nước sông Mekong đang thấp ở mức “đáng lo ngại”, một phần vì hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn.

Qua đó, MRC cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả các dữ liệu về dòng chảy.

Được biết, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên sông Mekong. Các chuyên gia môi trường từng nhận định, những con đập này không chỉ khiến mực nước ở đây thay đổi thất thường mà còn làm giảm dòng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông.