Một phúc trình về nhân quyền vừa được ‘Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người’ trụ sở tại Paris, Pháp công bố ngày 28 tháng 2 tiếp tục lên án biện pháp tấn công có phối hợp đối với các quyền tự do căn bản tại Việt Nam.
Phúc trình 36 trang mang tên ‘Không gian bị thu hẹp: Đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam giữa chu kỳ thứ hai của Cuộc Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát’ đúc kết một trong những đợt đàn áp tệ hại nhất trong những năm gần đây tại Việt Nam đối với giới bảo vệ nhân quyền, bloggers và các tín đồ tôn giáo.
Phúc trình nêu ra tình trạng leo thang bắt bớ, bỏ tù, kết án tùy tiện và công an bạo hành người biểu tình ôn hòa, cư xử côn đồ nơi tạm giam, gia tăng án tử hình và tăng cường nền ‘pháp trị’- thông qua nền pháp lý hạn chế không gian hoạt động của các xã hội dân sự và hình sự hóa việc thực thi những quyền con người cơ bản.
Phúc trình được công bố vào thời điểm mà các vụ bắt bớ và biện pháp kết án nặng nề các nhà bất đồng chính kiến gia tăng với tốc độ được gọi là đáng sợ.
Thống kê nêu ra trong phúc trình cho thấy chỉ riêng từ ngày 23 tháng giêng năm 2018 cho đến nay ít nhất 16 nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập bị các phiên xử có động cơ chính trị kết án tù tổng cộng đến 95 năm rưỡi.
Phúc trình nêu rõ tình trạng đàn áp nặng nề không chỉ là hệ quả của sự lạm dụng và tàn ác ở cấp địa phương, mà còn là do quyết sách cố ý từ các cấp cao hơn trong đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước.
Theo nhận định thì Bộ Luật Hình Sự được sửa đổi của chính phủ Hà Nội, trái với những cam kết của Việt Nam đưa ra tại Cuộc Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR).
Khái niệm mơ hồ ‘đe dọa an ninh quốc gia’ vẫn là ‘xương sống’ của chính sách và thực hành của Việt Nam liên quan đến biện pháp đàn áp có tổ chức các tiếng nói bất đồng chính trị và tôn giáo.
Quan ngại cũng được nêu ra trong phúc trình về tình trạng gia tăng việc sử dụng bạo lực, thường do những thành phần côn đồ do chính quyền thuê, nhằm gây nên bầu không khí sợ hãi khiến cho giới hoạt động không còn tham gia vào các công việc chung, hoặc bảo vệ các quyền của bản thân họ hay của những người khác.
Phúc trình vừa công bố dành một phần nêu ra biện pháp tấn công có phối hợp vào quyền tự do Internet mà chính phủ Hà Nội tiến hành do hai ngành quân đội và công an đi đầu. Cụ thể là Cục An Ninh Mạng thuộc Bộ Công An, mang bí số A68 hay ‘Lực Lượng 47’ với hơn 10 ngàn người thuộc Bộ Quốc Phòng.