Mười sáu nhà máy điện gió, điện mặt trời đã nối lưới điện quốc gia và đang được tiến hành thử nghiệm để sớm đưa vào vận hành phát điện.
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xác nhận tin trên trong ngày 26/5 và được truyền thông loan cùng ngày.
Theo EVN, đến thời điểm này, đã có 52/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong số đó, chủ đầu tư 36 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá và 19 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm và ký mua bán điện.
Trong số đó, ngoài 16 dự án đã nối lưới điện, 19 dự án đã được nghiệm thu công trình, có 17 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy, một phần nhà máy.
Hôm 25/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng Anh đã ký văn bản yêu cầu EVN khẩn trương ký hợp đồng mua bán điện, rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện lên lưới điện.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như thỏa thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 27/5.
Ngoài ra, Bộ Công thương còn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở công thương theo phân cấp có nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.
Do thiếu điện, Việt Nam đã và đang thúc đẩy việc nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc và Campuchia. Theo báo cáo của Uỷ ban Kinh tế, giá mua điện bình quân từ Trung Quốc trong năm 2020 là 1.281 đồng/kWh, Lào là 1.368 đồng/kWh, đều rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước (1.486 đồng/kWh).
Hồi năm 2016, Việt Nam và Lào đã ký văn bản ghi nhớ về khả năng hợp tác trao đổi, mua bán điện giữa hai bên. Theo đó, hai bên thống nhất sơ bộ đến năm 2020, Lào có thể xuất khẩu 1.000MW cho Việt Nam; năm 2025 có thể xuất khẩu 3.000MW và đến năm 2030 có thể xuất khẩu 5.000MW.