Công tố viện Slovakia đã quyết định khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Truyền thông Slovakia loan tin vừa nêu hôm 1/10.
Tin nêu rõ, với tư cách là những nhân chứng, hai cảnh sát Slovakia hộ tống phái đoàn công an cấp cao Việt Nam do ông Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu, đã khai rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Bộ Nội vụ Slovakia đã cho 44 nhân viên được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin để phục vụ cuộc điều tra, nghĩa là họ được phép khai tất cả cho cơ quan điều tra. 44 nhân viên này thuộc các bộ, ngành và cảnh sát hộ tống cùng những người phục vụ cho chuyến đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 26/07/2017.
Trả lời báo chí, Ông Michal Surek, người phát ngôn của Công tố viện tại thủ đô Bratislava xác nhận rằng, từ lời khai của các nhân viên cảnh sát, thủ tục truy tố hình sự được bắt đầu tiến hành.
Theo lời khai của các cảnh sát hộ tống, ông Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu ông đi.
Vào ngày 26/09/2018, Ngoại trưởng Miroslav Lajcak của Slovakia đã có một cuộc họp với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Liên Hợp Quốc tại New York về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà nhà nước Việt Nam bị cáo buộc là đã lợi dụng lãnh thổ Slovakia và chuyên cơ của chính phủ Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.
Tại cuộc họp, Ngoại Trưởng Lajcak đã cảnh báo Việt Nam về những hậu quả ảnh hưởng quan hệ song phương giữa hai nước có thể xảy ra do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông yêu cầu Việt nam phải giải trình rõ ràng hành trình Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam đã thực sự diễn ra như thế nào? Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển tải những yêu cầu này của Slovakia đến các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn, nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin vào tháng 7 năm ngoái. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục được đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.
Chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú. Ông Thanh bị đưa ra tòa xét xử với hai án chung thân với cáo buộc tham nhũng. Trong khi đó, Đức cho rằng Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Berlin tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng cấp thị thực cho những giới chức Việt Nam mang hộ chiếu công vụ sang Đức làm việc.