Một số cơ quan bộ, ngành trả lại vốn ODA cho Chính phủ Việt Nam

Chính phủ Việt Nam mặc dù đề ra nhiều biện pháp để giải ngân vốn ODA trong năm 2020, tuy nhiên đến cuối tháng 9 mới giải ngân được gần 25% dự toán và một số cơ quan bộ, ngành lần đầu tiên trả lại vốn ODA được giao.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 21/10, dẫn lời của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết thông tin vừa nêu khi trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.

Tin cho biết, theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt được trong 9 tháng đầu năm 2020 vào khoảng hơn 57%, tương đương hơn 495 ngàn tỷ đồng, tăng 5,3% so với dự toán.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được ghi nhận là chậm, đặc biệt nguồn vốn ODA chỉ giải ngân được 24,8% trong 9 tháng qua. Đồng thời một số bộ, ngành lần đầu tiên trả lại vốn ODA cho Chính phủ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn vay ODA chậm được cho là bởi chịu sự tác động của đại dịch COVID-19. Theo đó, các nhà thầu không thể huy động nhân lực để thi công, máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, một số dự án ODA phải điều chỉnh vì vướng khâu giải phóng mặt bằng hay thủ tục ký hợp đồng vay vốn, mời thầu quốc tế…còn nhiều phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều dự án ODA xin điều chỉnh nguồn vốn sang năm sau và trả lại nguồn vốn cho ngân sách Trung ương có xu hướng tăng.

Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư đều cho rằng, các địa phương cần phải cân nhắc kĩ về quyết định kiến nghị trả lại vốn ODA trong năm 2020, bởi vì việc điều chỉnh giảm vốn giai đoạn này sẽ gây áp lực cho giai đoạn tới và dư địa có dự án mới sẽ bị hẹp lại cũng như kéo dài thời gian giải ngân sẽ khiến áp lực trả nợ tăng lên.

Cả hai Bộ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư yêu cầu các địa phương cần cố gắng thực hiện việc giải ngân 2/3 vốn ODA còn lại trong 3 tháng cuối năm 2020 và tránh tiếp tục xin điều chỉnh giảm.

Một số cơ quan bộ, ngành đề nghị trả lại vốn ODA trong năm nay như Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn xin trả hơn 1.800 tỷ đồng do không có khả năng giải ngân; Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị điều chuyển hơn 330 tỷ đồng/619,8 tỷ đồng dự toán vốn nước ngoài để chuyển cho các bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến dành cho cho Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do dự án giải ngân quá chậm...