Việc thu chi ngân sách nhà nước hiện nay về cơ bản chỉ đủ đáp ứng cho tiêu dùng và trả nợ, đồng thời cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán đất, tài nguyên và tài sản nhà nước.
Truyền thông trong nước, vào ngày 29 tháng 10, dẫn lời phát biểu vừa nêu của Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong phiên thảo luận Quốc hội về ngân sách và đầu tư công, diễn ra vào sáng cùng ngày.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tình trạng ngân sách vẫn còn khó khăn, với tỉ lệ chi thường xuyên so với tổng ngân sách luôn ở mức cao, hơn 60%.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Kim Bé khẳng định nguồn thu ngân sách chủ yếu từ thu nhà đất, dầu thô là nguồn thu không ổn định và bán tài nguyên để phát triển trong khi các nguồn thu khác từ lợi nhuận là thu không đạt hiệu quả.
Chủ tịch VCCI nêu lên một giải pháp cần phải thực hiện là kiên quyết cắt giảm bộ máy nhà nước để giảm chi thường xuyên xuống còn dưới 50%, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu nhằm cân đối tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, ông Đinh Văn Nhã đưa ra đề nghị trước mắt cần tập trung tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn bán vốn doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ trình Quốc hội cơ cấu lại nguồn vốn, để tăng thu ngân sách trung ương cho đến năm 2020.
Cũng liên quan đến hoạt động của Quốc Hội Việt Nam, trong ba ngày kể từ ngày 30 tháng 10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc Hội Khóa 14 tất cả các thành viên chính phủ Việt Nam sẽ trả lời chất vấn cho các đại biểu tham dự kỳ họp.
Đây được nói là điểm mới trong hoạt động của kỳ họp Quốc Hội lần này so với nhiều kỳ họp trước khi mà số thành viên chính phủ trả lời chất vấn các đại biểu chỉ có giới hạn.