Thường vụ Quốc hội Việt Nam vào ngày 20 tháng 3 cho ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Tại phiên họp nhiều ý kiến băn khoăn về tính thống nhất của dự án luật vừa nêu với các luật liên quan cũng như phạm vi nợ công.
Bộ Tài Chính Việt Nam qui định nợ công bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương. Trong khi đó phó chủ tịch quốc hội Việt Nam, ông Phùng Quốc Hiển nêu băn khoăn về khoản nợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Phùng Quốc Hiển thì nợ của Ngân hàng Nhà nước không nằm trong nợ công; thế nhưng Ngân hàng Nhà nước lại nằm trong hệ thống tài chính công.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thì cho rằng công tác quản lý nợ công bộc lộ một số bất cập, như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ công trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Nguyên văn ông Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được báo chí trích dẫn là ‘vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, làm sao mà được? Cách làm như lâu nay theo ông Đinh Tiến Dũng khiến cho nợ công tăng nhanh.
Theo con số mà ông Đinh Tiến Dũng nêu ra tại phiên họp Thường vụ Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 20 tháng 3 thì riêng qui mô dư nợ nước ngoài của chính phủ Hà Nội đến cuối năm 2015 so với cùng kỳ năm 2011 tăng 6,5 lần; trong đó dư nợ từ Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần, Ngân hàng Phát triển Châu Á tăng 20,3 lần, dư nợ từ Nhật bản tăng 6,8 lần.