Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và các vi-rút khác ngày càng kháng thuốc diệt côn trùng

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và các vi-rút khác tại Châu Á đang ngày càng gia tăng khả năng kháng thuốc diệt côn trùng và đã đến lúc cần tìm ra phương thức mới để đối phó với tình trạng này. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản đưa ra kết luận này mới đây.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu muỗi ở nhiều nước ở Châu Á bao gồm Campuchia , Việt Nam, và Ghana ở Châu Phi và phát hiện những biến đổi gene trong muỗi khiến chúng có khả năng kháng thuốc.

Ông Shinji Kasai – Giám đốc và các cộng sự tại Khoa Côn trùng học y tế thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản – trong một nghiên cứu mới được công bố cho thấy một số loài muỗi hiện tại đã có mức kháng thuốc diệt côn trùng gấp 1.000 lần so với mức 100 lần trước kia.

Điều này có nghĩa là với cùng mức thuốc diệt côn trùng vốn có thể giết được gần 100% muỗi trước kia giờ chỉ có thể giết được khoảng 7% côn trùng.

Thậm chí với liều thuốc tăng gấp 10 lần cũng chỉ giết được khoảng 30% muỗi có khả năng siêu kháng thuốc.

Sốt xuất huyết khiến khoảng từ 100 đến 400 triệu người nhiễm mỗi năm trên toàn cầu, hơn 80% chỉ có triệu chứng nhẹ, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới.

Mặc dù đã có vắc-xin để phòng sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa cao và hiện vẫn chưa có cách nào để loại bỏ hoàn toàn bệnh dịch này. Trong khi đó, muỗi Aedes agegypti là loại muỗi không chỉ mang theo sốt xuất huyết mà còn cả các bệnh khác như zika và sốt vàng.

Nhà khoa học Kassai được AFP trích lời nói rằng giải pháp hiện tại là luân phiên dùng các loại thuốc diệt côn trùng khác nhau. Nhưng điều đáng nói là hiện không có nhiều loại thuốc diệt côn trùng.

Một cách khác được các nhà khoa học đưa ra là loại bỏ các khu vực nơi muỗi có thể sinh sản.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời đối với câu hỏi khi nào và tại đâu việc biến dổi gene trong muỗi bắt đầu. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu thêm các mẫu mới ở các nơi khác tại Châu Á và thêm các mẫu từ Campuchia và Việt Nam để tìm hiểu xem có thay đổi gì trong giai đoạn nghiên cứu từ 2016 – 2019.