Dịch tả heo Châu Phi đã lan ra 84 huyện của 21 tỉnh thành của Việt Nam với ần 65.000 heo bị tiêu hủy, tính đến ngày 25 tháng 3, theo thống kê của Cục Thú y.
Các địa phương mới nhất có ghi nhận bệnh dịch là Thừa Thiên – Huế và Bắc Giang.
Vào ngày 26/3, bộ Ngôn nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi với sự tham gia của 11 bộ ngành. Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, tại cuộc họp đầu tiên của Ban, Bộ Y Tế và Bộ Công thương đã vắng mặt.
Cũng tại cuộc họp đầu tiên của Ban, Trưởng phòng dịch tễ (Cục Thú Y) là ông Nguyễn Văn Long cho biết, trong giai đoạn đầu, dịch chủ yếu chỉ xuất hiện ở những họ nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, nhưng từ ngày 20/3, bệnh đã có chiều hướng lây lan nhanh ở phạm vi rộng và xuất hiện ổ dịch quy mô lớn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi. Ông Cường cũng cho biết Việt Nam đang nghiên cứu vacxin dịch tả lợn Châu Phi.
Hôm 19/3, Reuters cho hay tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) đã kêu gọi Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn Châu Phi.
Tuy nhiên, vào ngày 21/3, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho báo chí biết Việt Nam chưa cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời khẳng định thông tin về cảnh báo của FAO là không chính xác.
Cục Thú y Việt Nam khẳng định, dịch bệnh không lây qua người nên càng không có cơ sở để ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh đã làm nhiều người dân lo sợ không dám an thịt lợn. Đã có nhiều thông tin được lan truyền trên trang mạng xã hội facebook thời gian qua về dịch bệnh. Công an đã phải vào cuộc để triệu tập, thậm chí bắt phạt một số người đưa tin này trên Facebook vì công an xác định họ đã đưa tin sai sự thật.