Một số doanh nghiệp hàng dệt may Việt Nam cho biết đang bị áp lực cắt giảm hợp đồng từ đối tác nước ngoài nếu công nhân chưa được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đầy đủ và vì những vấn đề kiểm soát dịch COVID-19 từ phía Chính phủ.
Truyền thông Nhà nước ngày 20/9 trích thông tin từ lãnh đạo Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, doanh nghiệp này hiện chỉ có 1/3 số công nhân tham gia sản xuất so với trước dịch COVID-19 nên chỉ đạt khoảng 20% công suất. Theo lời người đại diện công ty Dony, dù 100% nhân lực sản xuất "3 tại chỗ" đã được tiêm vắc-xin nhưng tiến độ giao hàng chậm trễ khiến các đối tác ở Châu Âu nói không thể chờ đợi và đe dọa sẽ chuyển các đơn hàng đi sản xuất ở các nước khác.
Lãnh đạo Công ty May 10 khẳng định những đối tác nước ngoài luôn đặt câu hỏi bao giờ Chính phủ Việt Nam kiểm soát được dịch và khi nào doanh nghiệp may sản xuất ổn định. Đại diện Công ty May 10 cho biết các đối tác cũng đe dọa sẽ chấm dứt hợp đồng quý IV 2021 và quý I, II 2022 nếu tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người lao động không đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu.
Một số doanh nghiệp may mặc đã gửi thư kêu cứu tới Thủ tướng Việt Nam. Bức thư đề ngày 10/9 khẳng định các doanh nghiệp may mặc đang đứng trước nguy cơ phá sản vì hầu hết khách đã hủy các đơn hàng, yêu cầu xuất hàng bằng máy bay với những hợp đồng còn lại.
Theo thư kêu cứu nói trên, khách hàng doanh nghiệp may mặc cho biết không thể chờ đợi quá lâu, mặt khác nhà sản xuất đã chi hàng ngàn tỷ đồng mua nguyên vật liệu.
Các doanh nghiệp may mặc cảnh báo, tình trạng phong tỏa khiến nguy cơ mất đơn hàng sang năm 2022, kéo theo nguy cơ mất mùa sản xuất và mất thị trường.
Theo thống kê của báo Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8/2021 giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.