Mỏ sắt Thạch Khê không nằm trong phát triển quy hoạch Hà Tĩnh

Mỏ sắt lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á là Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh không nằm trong chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020, cũng không có tên trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Hà tĩnh.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 16/10 theo báo cáo do ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, đưa ra tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và góp ý Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng dừng dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê vì lý do không đảm bảo kinh tế và tránh nguy cơ gây thảm họa môi trường.

Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê cho rằng việc đóng cửa mỏ sẽ làm thất thoát 2000 tỷ đồng tiền đầu tư của doanh nghiệp này.

Hồi tháng 5/2018, mỏ sắt Thạch Khê cũng từng bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ đóng này vì lo ngại ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sau thảm họa môi trường biển do Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra hồi năm 2016.

Tháng 12/2018, một số chuyên gia cảnh báo mỏ sắt Thạch Khê sau khi kết thúc khai thác được cải tạo thành hồ chứa nước lớn với dung tích lên tới hàng trăm triệu m2 sẽ tạo áp lực lớn lên bờ và đáy mỏ, nguy cơ xảy ra động đất lớn là rất cao.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm cách thành phố Hà Tĩnh 18 km về hướng Đông Bắc, cách bờ biển 1,6 km và cách cảng Vũng Áng 66 km.

Các chuyên gia khẳng định Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng nửa tỷ tấn (chiếm một nửa lượng quặng sắt của Việt Nam) với hàm lượng sắt trung bình là 58%.

Mỏ sắt Thạch Khê được nghiên cứu từ những năm 1960 nhưng đến tháng 2/2009 mới được cấp giấy phép và bắt đầu triển khai xây dựng dự án.

Báo trong nước cho biết tổng vốn đầu tư cho dự án mỏ sắt Thạch Khê khoảng 14500 tỷ đồng và dự kiến khai thác thời gian 52 năm. Việc khai thác được đánh giá sẽ ảnh hưởng gần 6000 hộ dân ở địa phương, buộc di dời khoảng 4000 hộ.

Một mỏ sắt khác ở Việt Nam là Quý Xa ở tỉnh Lào Cai cũng đã xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn quặng sắt với lý do ‘trong nước không có nhu cầu.’