Câu Lạc bộ Báo chí Quốc tế Thái Lan (FCCT) đột ngột thông báo hoãn chiếu bộ phim tài liệu về blogger Mẹ Nấm vì “khiếu nại từ Đại sứ quán Việt Nam” ở Bangkok giữa lúc có những lo ngại về an nguy của nữ tù nhân lương tâm này trong trại giam.
Bộ phim tài liệu “Khi Mẹ Vắng Nhà” nói về bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức là blogger Mẹ Nấm dự định công chiếu lần 2 ở Bangkok, Thái Lan vào tối 4/7, tuy nhiên trước đó Trạm cảnh sát Lumpini đã gửi thư yêu cầu hủy buổi công chiếu.
"Theo khiếu nại của Đại sứ quán Việt Nam, buổi chiếu lại bộ phim 'Khi mẹ vắng nhà' bị hủy bỏ.
Bức thư yêu cầu về việc này được đưa ra sáng nay bởi Trạm cảnh sát Lumpini và tiếp theo đó là chuyến viếng thăm câu lạc bộ (FCCT) của một đại tá cảnh sát từ Đơn vị đặc biệt. Dường như Bộ Ngoại giao Thái Lan không được tư vấn về quyết định này", Thông báo của câu lạc bộ Báo Chí Quốc tế Thái Lan nêu rõ.
FCCT cũng "lấy làm tiếc vì bất kỳ sự bất tiện nào đối với những người dự định tham dự."
Không lấy làm ngạc nhiên!
Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền độc lập Việt Nam hiện đang sinh sống tại Bangkok cho RFA biết qua điện thoại là bà không ngạc nhiên dù cảm thấy hơi lạ về cách làm việc của cảnh sát.
Thực sự tôi không có ngạc nhiên mấy, tại vì đây không phải là lần đầu tiên bên chính phủ Thái Lan cấm bất cứ thứ gì có liên hệ tới nhân quyền của Việt Nam. - Grace Bùi
"Thực sự tôi không có ngạc nhiên mấy, tại vì đây không phải là lần đầu tiên bên chính phủ Thái Lan cấm bất cứ thứ gì có liên hệ tới nhân quyền của Việt Nam. Giống như mấy năm trước thì họ (Tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế) phát hành bản báo cáo về nhân quyền (Việt Nam - PV) thì cũng đã bị cấm. Người ta không cho mình họp cái buổi họp đó.
Có một điều hơi lạ là ngày hôm nay khi đọc tờ báo Bangkok News thì họ viết là Bộ ngoại giao Thái Lan không biết gì về việc này mà công an đến yêu cầu cấm chiếu. Thì cái này nó hơi lạ một chút xíu đối với tôi, nhưng không biết có thể đây là cách Thái Lan họ làm việc", bà Grace Bùi nhận xét về việc ngừng chiếu bộ phim này.
Luật sư Trịnh Hội, người mang bộ phim đến câu lạc bộ Báo chí Quốc tế Thái Lan trình chiếu và cũng là diễn giả trong chương trình chia sẻ tin tức về việc hủy bỏ buối chiếu phim của tờ Bangkok Post kèm bình luận trên Facebook cá nhân:
"Hà Nội có thể dùng mọi thủ đoạn để cấm phổ biến bộ phim tài liệu 'Mẹ Vắng Nhà' nói về Mẹ Nấm. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Và cho dù có gặp bất kỳ khó khăn nào, tôi cũng sẽ cho chiếu nó ở những nơi mà sự thật vẫn được tôn trọng", đại diện tổ chức VOICE cho biết.
Ông Kingsley Abbott, Cố vấn pháp lý cao cấp tại Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) nhận xét trên Twitter: "Khiếu nại từ Tòa đại sứ Việt Nam là nguyên nhân của việc hủy bỏ buổi công chiếu tối nay của bộ phim tài liệu về blogger Việt Nam bị cầm tù, Mẹ Nấm, tại câu lạc bộ Báo chí Quốc tế ở Thái Lan. Đây là minh chứng cho sự hợp tác trong khu vực trong việc dập tắt những tiếng nói chỉ trích và hạn chế quyền tự do cơ bản."
Bộ phim về cuộc đời những người mẹ
Theo FCCT, ‘Khi Mẹ Vắng Nhà' là phim tài liệu dài đầu tiên của đạo diễn trẻ đang sống tại Việt Nam Clay Phạm. Bộ phim khám phá các chủ đề của gia đình và làm mẹ trong sự biến đổi của Việt Nam, nhưng thông qua một ống kính đặc biệt cảm xúc. Như tiêu đề ngụ ý, nhân vật trung tâm trong gia đình không có ở đó.
Người mẹ vắng mặt là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, năm nay 38 tuổi, thường được gọi với tên Mẹ Nấm. Bà đã bị kết án 10 năm tù giam vào ngày 29/6/2017 theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam và bị giam tại một nhà tù xa xôi sau khi bị phạt.
Bà bị bắt lần đầu vào tháng 10/2016 vì công việc của mình với tư cách là một blogger trên Facebook, hay nhà báo công dân, thảo luận về các vấn đề công lý, quyền tư hữu, tự do ngôn luận và môi trường.
'Khi Mẹ Vắng Nhà' là một bức chân dung cá nhân theo sau cuộc đời của thân mẫu Mẹ Nấm, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, khi bà đấu tranh để chăm sóc hai đứa cháu của mình như là người giám hộ duy nhất của chúng. Cha của bọn trẻ đã bỏ rơi chúng. Nó cho thấy một gia đình bình thường trong hoàn cảnh đặc biệt. Trong số những kinh nghiệm khác, bà kể lại một chuyến viếng thăm nhà tù đau lòng; cháu trai cô còn quá trẻ để hiểu tại sao mẹ em không thể về nhà, và em không được phép thăm mẹ.
Các em không biết mẹ mình đã làm gì, hoặc khi nào mẹ được tự do. Mặc dù những cảm xúc và nỗi đau xung quanh một gia đình tan rã, bộ phim thể hiện khía cạnh truyền cảm hứng của xã hội ở Việt Nam. Với sự hỗ trợ của bạn bè và người thân, cả ba đã thể hiện sức mạnh phi thường.
Bộ phim ‘Khi Mẹ Vắng Nhà’ là quan trọng đối với bất cứ ai quan tâm đến sự kiến tạo của xã hội Việt Nam hiện đại.
Bà Grace Bùi, người từng dự buổi công chiếu lần đầu của phim tài liệu này tại Bangkok khoảng 1 tuần trước cho biết, bà rất cảm động trước bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ người Việt Nam.
"Khi tôi xem phim thì nhìn vào khía cạnh của gia đình của một người đang bị đi tù, tôi thấy là mẹ của Mẹ Nấm (cô Tuyết Lan) phải chăm sóc người mẹ già, và chăm sóc 2 đứa con của Mẹ Nấm thì tôi rất là cảm động.
Cô Lan vừa là người con đối với người mẹ của mình, vừa là người mẹ, người cha đối với Mẹ Nấm, vừa là bà ngoại, ông ngoại đối với 2 đứa con của Mẹ Nấm.
Thì tôi thấy đó là điều rất là khó khăn đối với cô Lan để làm điều đó, và tôi không biết cô Lan có thể chịu đựng bao lâu nữa.
Và đêm đó, trên đường đi về tôi nhớ tới 2 người mẹ đang ở trong tù nhớ về các người con của mình đó là Mẹ Nấm và chị Trần Thị Nga", bà Grace Bùi chia sẻ cảm xúc của mình sau khi xem phim.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả quan ngại về an nguy của Mẹ Nấm
Hôm 3/7, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo "lên án mạnh mẽ vụ sách nhiễu gần đây đối với blogger Việt Nam đang bị cầm tù - bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được biết đến với bút danh "Mẹ Nấm" và một lần nữa CPJ kêu gọi trả tự do cho bà ngay lập tức và vô điều kiện".
Hôm 15/6, bà Quỳnh được Ủy ban Bảo Vệ Ký giả trao giải “Tự do Báo chí Quốc tế 2018” vì những đóng góp của mình.
CPJ dẫn lời của bà Tuyết Lan, mẹ của nữ blogger cho hay, gần đây các nhà chức trách tại trại giam Thanh Hóa đã đưa bà Quỳnh vào một phòng giam chung với hai tù nhân nữ khác, một trong số họ đã đe dọa nữ nhà báo này.
Con xin mẹ hàng tháng phải thăm con một lần để mẹ biết con thế nào, tính mạng con ra sao. - Blogger Mẹ Nấm
"Con xin mẹ hàng tháng phải thăm con một lần để mẹ biết con thế nào, tính mạng con ra sao. Khi con ở trại tạm giam Khánh Hòa, họ từng nhốt con hai tháng trong một phòng không có lỗ thông hơi mà con vẫn chịu đựng được. Nhưng ở trong đây bây giờ con không chịu nỗi nữa.
Con ở trong phòng có 3 người, có một cô luôn luôn gây sự với con, chửi rủa con bằng những ngôn từ tệ hại nhất, kinh khủng nhất mà con chưa bao giờ được nghe và con không thể nào nói lại được gì với chị ấy hết. Sau đó, giám thị làm biên bản, viết là gây gổ nhau. Con nói với giám thị trại giam một là chuyển chị đó qua phòng khác, hai là nếu không chuyển chị đó được thì chuyển con đi bất cứ phòng nào cũng được để tránh chuyện này. Con đã trình bày với ba giám thị nhưng họ không đổi cho con.
Và, điều nguy hiểm nhất là con đang ở trong phòng biệt giam thì tới giờ người ta khóa lại, nhưng thông thường chìa khóa để phía trước đó, còn bây giờ chìa khóa để chỗ nào thì con không biết. Khi cần mở thì mở không được. Giám thị nói rằng ổ khóa này bị bỏ xà bông, bị bỏ cát vào và nếu gọi thợ sửa khóa đến thì thợ sửa khóa ở trên thành phố không thể xuống được ngay.
Con rất sợ cho sự an nguy tính mạng của con. Còn có tình trạng bị cúp điện một cách bất thường. Cho nên mẹ phải thăm con hàng tháng nghe mẹ", bà Tuyết Lan thuật lại lời của con mình sau cuộc thăm gặp vào ngày 26/6, tại trại 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Qua những hoạt động dân sự của mình, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nhận được các giải thưởng nhân quyền quốc tế như Giải “Người Bảo vệ Quyền Dân sự” năm 2015, của Tổ chức Civil Rights Defender và Giải “Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm” của Hoa Kỳ năm 2017. Blogger Mẹ Nấm cũng được đề cử cho giải Nobel Hoà Bình 2018.