Thái Lan sẽ chủ trì việc thành lập một quỹ khu vực Mekong với các nước láng giềng Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để hỗ trợ các dự án xây dựng hạ tầng và phát triển, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc.
Tờ Nikkei của Nhật ngày 4 tháng 6 cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ đưa ra đề xuất này cho các lãnh đạo năm nước lưu vực sông Mekong tại hội nghị cấp cao lần thứ 8 về Chiến lược hợp tác kinh tế khu vực Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) diễn ra tại Thái Lan vào ngày 16 tháng 6 tới đây.
Nikkei cũng dẫn lời ông Arthayudh Srisamoot, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết quỹ khu vực Mekong sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019 và Thái Lan sẽ đóng góp một khoản tiền ban đầu lớn cho quỹ này, có thể là hàng triệu đô la. Các tổ chức tài chính và các quốc gia không thuộc khung hợp tác ACMECS cũng có thể đóng góp cho quỹ.
Hiện tại các thông tin cụ thể của quỹ này vẫn chưa được thảo luận, nhưng dự kiến các nước thành viên của quỹ này sẽ nắm quyền kiểm soát bằng cách thành lập một ủy ban quản lý chung.
Hiện tại, các nước trong khu vực vẫn chủ yếu vay vốn qua các thỏa thuận song phương với các bên ngoài khu vực như các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Nhật Bản và các nước phương Tây trước kia là những nhà đầu tư chính trong khu vực, nhưng Trung Quốc gần đây đã gia tăng sự hiện diện trong việc cung cấp vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng cơ sở qua sáng kiến Vành Đai Con Đường của nước này. Bắc Kinh đã hứa sẽ cung cấp khoảng 1 tỷ rưỡi đô la vốn vay ưu đãi cho 5 nước thuộc khu vực sông Mekong.
Tuy nhiên, theo Nikkei, sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc thường phải trả giá đắt. Chẳng hạn, để được Hoa Lục đầu tư thủy điện, đường cao tốc và đường sắt, Lào phải chấp nhận nhượng quyền sử dụng đất đai và các quyền phát triển khác cho Bắc Kinh.