Hai trong số năm công nhân bị phản ứng phản vệ sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 Vero Cell mũi hai tại Trung tâm Y tế huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa chiều 23/11 đã tử vong, ba người còn lại đang bị cấp cứu. Báo Nhà nước Việt Nam dẫn thông tin Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đưa tin ngày 24/11.
Tin cho biết, công nhân và người lao động Công ty TNHH Giầy Kim Việt đều được khám sàng lọc và tư vấn về vắc-xin cũng như các phản ứng có thể gặp trước khi tiêm.
Tuy nhiên, có năm người trở nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong đó hai người không qua khỏi vào lúc 0h45 và 8h45 ngày 24/11.
Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, Sở đã chỉ đạo Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến và đang chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn, đồng thời cũng đã báo cáo Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo.
Cũng trong ngày 24/11, báo mạng Pháp Luật có bài viết phỏng vấn PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng cần tăng cường mũi ba cho người dân tiêm hai mũi Vero Cell trước đó.
Nguyên nhân được PGS. Dũng phân tích rằng, theo nghiên cứu từ một số quốc gia thì với người cao tuổi, có bệnh nền, khả năng sinh miễn dịch thấp hơn thì hiệu lực của vắc-xin Vero Cell cũng ngắn hơn so với các loại vắc-xin dùng công nghệ mRNA như Pfizer hay Moderna.
PGS. TS. Đỗ Văn Dũng còn dẫn lời Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin: “Hiệu lực của các loại vắc-xin đều giảm theo thời gian nhưng của Vero Cell giảm nhanh hơn nên cần tiêm mũi tăng cường sớm hơn”.
Theo khuyến cáo, TPHCM cần cho người dân tiêm mũi ba Vero Cell vào đầu tháng 12 do mũi một được tiêm vào tháng 8 và mũi hai vào tháng 9 nên cũng sắp đến thời hạn tối ưu hiệu lực ba tháng cho Vero Cell.