Phản ứng của Việt Nam về tình hình Myanmar

Trả lời câu hỏi của phóng viện Báo Thế giới & Việt Nam hôm 1 tháng 2, trước những diễn biến gần đây ở Myanmar, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Là nước láng giềng trong khu vực và cũng là thành viên của ASEAN, Việt Nam rất quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước phục vụ hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, cũng như tiếp tục đóng góp vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN."

Theo tin từ AP, rạng sáng ngày 1 tháng 2 năm 2021, bà Aung San Suu Kyi, người trở thành nhà lãnh đạo Myanmar vào năm 2016, đã bị quân đội đảo chánh và bắt giữ. Tình trạng khẩn cấp được ban hành trong thời gian một năm. Phó tổng thống U Myint Swe vốn là cựu tướng lãnh được chỉ định tạm nắm quyền.

Vụ bắt bớ này diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Quốc Hội họp phiên đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử.

Đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử năm 2015. Tuy nhiên do kết hôn với người nước ngoài, bà Aung San Suu Kyi không được làm Tổng thống, nhưng bà giữ vai trò Cố vấn Nhà nước.

Quân đội tự coi mình là người bảo vệ sự thống nhất quốc gia và hiến pháp, đồng thời giữ một vai trò lâu dài trong hệ thống chính trị. Quân đội mặc nhiên chiếm 25% số ghế trong quốc hội mà không cần bầu cử kiểm soát bộ quốc phòng, bộ nội vụ và bộ các vấn đề biên giới.

Tại kỳ bầu cử vào tháng 11 năm 2020, Đảng NLD do bà Suu Kyi dẫn đầu giành được 83% số ghế. Cuộc bầu cử được xem là cuộc bầu cử dân chủ lần thứ hai tại Miến Điện, kể từ khi chấm dứt chế độ tập đoàn quân sự năm 2011. Tuy nhiên phía quân đội cho rằng cuộc bầu cử không tự do và công bằng. Ngày 26 tháng 1 năm 2021, Quân đội Miến Điện dọa không loại trừ khả năng đảo chính nếu không được phép kiểm tra lại kết quả bầu cử Quốc Hội.

Đảng NLD cho rằng, các cáo buộc của quân đội là vô căn cứ và các sai sót trong cuộc bầu cử vừa qua không đủ làm thay đổi kết quả cuối cùng. Ủy ban bầu cử hôm 28 tháng 1 nói rằng, không có sai sót trên quy mô đủ lớn để trở thành gian lận bầu cử diện rộng hoặc khiến cuộc bầu cử bị bất tín nhiệm.

Bà Aung San Suu Kyi là Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar. Trong cuộc bầu cử phổ thông năm 1990, NLD giành 59% tổng số phiếu và 81% ghế trong Quốc hội. Tuy vậy, bà chưa bao giờ được nhậm chức thủ tướng và đã bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Bà chịu sự quản thúc tại gia gần 15 năm từ 1989 đến 2010.

Năm 1991, bà được trao giải Nobel Hòa bình, trong khi vẫn bị quản thúc tại gia. Người chồng Michael Aris và hai con trai của bà đã thay mặt nhận giải.