Đang xử phúc thẩm nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, vợ bị đuổi ra khỏi cổng tòa

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đang xét xử nhà báo công dân Lê Văn Dũng, hay còn được biết đến với tên Lê Dũng Vova, tuy nhiên vợ ông không được tham dự còn bị đuổi ra khỏi cổng tòa.

Phiên toà hôm nay là kết quả của việc ông Dũng làm đơn kháng cáo bản án do toà sơ thẩm ban ra.

Trước đó, ngày 23 tháng 5 ông bị toà sơ thẩm tuyên án 5 năm tù giam dưới cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, theo điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Được biết tới với các chương trình phát sóng trực tiếp trên Facebook dưới tên CHTV, qua đó nhà báo công dân này chuyên giúp nông dân bị thu hồi đất đai “kêu oan”, và đồng thời đưa ra những bình luận và nhận định đối với tình hình chính trị-xã hội tại Việt Nam.

Chính quyền cáo buộc ông Dũng đã có các phát ngôn “chống nhà nước” trong những lần thực hiện phát sóng trực tiếp, do đó đã bắt giam ông vào ngày 30 tháng 6 năm 2021.

Dù thông báo phiên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra công khai, tuy nhiên theo phản ánh của người nhà thì trên thực tế lại không như vậy.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do qua ứng dụng nhắn tin, bà Bùi Thị Huệ, vợ của ông Lê Văn Dũng cho biết bản thân bà cũng không được vào toà để dự phiên xét xử:

“Tôi phải rời khỏi nhà từ ngày hôm qua vì thấy hàng xóm nói có người canh ở ngõ, và một vài người khác cũng thông báo là bị canh cửa.

Khoảng 7h sáng thì tôi đến cổng toà, và thấy một đội cảnh sát cơ động đứng bên ngoài. Khi tôi muốn vào trong thì họ nói rằng không có giấy mời hay giấy triệu tập thì không được vào.

Đến khi phiên xét xử bắt đầu thì họ cho trật tự phường xua đuổi tôi ra khỏi khu vực cổng toà.”

Điều tương tự cũng xảy ra ở phiên xét xử sơ thẩm khi ngoài luật sư ra thì không ai khác được vào trong phòng xử án.

Phiên xét xử hôm nay đã thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế, trong đó tổ chức Theo dõi Nhân quyền ra tuyên bố kêu gọi trả tự do cho ông Lê Văn Dũng.

Trong tuyên bố trên, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức này, nói:

“Bản án giả tạo và có động cơ chính trị mà ông Lê Văn Dũng phải chịu cần phải được huỷ bỏ, và ông ấy cần phải được trả tự do ngay lập tức.

Việc sử dụng internet để nói về những điều bất công và yêu cầu cải cách không thể bị coi là một tội phạm, bằng việc truy tố ông Dũng thì chính quyền Việt Nam cho thấy họ đã trở nên độc tài, và lạm dụng nhân quyền thế nào.

Bán án 5 năm tù mà ông Lê Văn Dũng phải nhận hồi tháng ba cho thấy cách thức mà nhà nước trả thù những công dân dám nói lên suy nghĩ của mình.”