Kiểm toán nhà nước Việt Nam: hiệu quả sử dụng vốn vay ODA chưa tương xứng

Việc sử dụng vốn vay ODA tại Việt Nam chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, giá cả vật tư quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm.

Đó là đánh giá được Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nêu ra trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với nội dung công bố kết quả kiểm toán chuyên đề các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 21/5 cho biết Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định nhà thầu nước ngoài.

Các dự án sử dụng vốn ODA bị đánh giá phải chịu ràng buộc về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay lên tới 30%; ngoài ra phải sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao hơn tư vấn trong nước từ 8 đến 10 lần.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ điển hình khi phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc gần 14 ngàn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư.

Theo báo cáo, dự án Cát Linh – Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư hơn 200% từ gần 9 ngàn tỷ đồng lên 18 ngàn tỷ đồng mà chưa được trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét.

Kiểm toán nhà nước cũng nêu trước Quốc hội việc Dự án Cát Linh – Hà Đông phải vay thêm 250 triệu USD và bổ sung chi phí hơn 21 triệu USD vì các nguyên nhân khách quan, thay đổi biện pháp thi công khi chưa có dự toán chi tiết.

Dự án Cát Linh – Hà Đông cũng được nói mắc lỗi thanh toán thuế Giá trị gia tăng sai quy định, tăng 12,5 tỷ đồng; thuế Thu nhập doanh nghiệp tăng tương ứng hơn 125 tỷ đồng.

Tại kỳ họp, Kiểm toán Nhà nước nói Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện có 27 trên tổng số 42 dự án có tăng tổng mức đầu tư hơn 122 tỷ đồng và hơn 97 triệu USD.

Dự án nâng cao an toàn đường sắt tuyến Hà Nội – TP.HCM điều chỉnh 3 lần, tăng hơn 6800 tỷ đồng tương đương hơn 275% so với ban đầu. Đường sắt đô thị tại TP.HCM tuyến Bến Thành – Suối Tiên điều chỉnh tăng gần 30.000 tỷ đồng tương đương 172%.

Các Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông điều chỉnh tăng 3000 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Huội Quảng tăng hơn 5700 tỷ đồng.

Hầu hết các dự án điều chỉnh được Kiểm toán Nhà nước đánh giá không đúng thẩm quyền, chưa đảm bảo quy định.