Chính quyền huyện Đắk Mi, tỉnh Đắc Nông khẳng tin thông tin một tài khoản Facebook đăng tải cho rằng các thương lái địa phương đã đào 800 con heo chết vì dịch bệnh lên để mổ xẻ đem đi bán là sai sự thật.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 25/3, dẫn lời ông Ngô Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mi, tỉnh Đắk Nông khẳng định trên địa bàn huyện chưa có bất kỳ dịch heo bệnh nào.
Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mi cũng cho biết đã chỉ đạo lực lượng công an huyện đề nghị xác minh, làm rõ việc mà chính quyền cho là tung tin sai sự thật.
Trước đó ngày 24/3, tài khoản Facebook có tên Trần Thu Hồng đã đăng nội dung cảnh báo người dân thị xã Gia Nghĩa khi mua thịt lợn. Người này nói có quen một người làm kiểm dịch bắt được một ổ dịch ở huyện Đắk Mi hơn 800 con lợn chết đã chôn nhưng được thương lái đào lên mổ xẻ để bán. Tài khoản Trần Thu Hồng còn đăng kèm hình ảnh cho thấy nhiều con heo chết nằm trong một ngôi nhà thu hút hàng ngàn lượt quan tâm chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên sau đó, Facebooker Trần Thu Hồng gỡ bỏ nội dung đã loan, đính chính thông là sai sự thật, đồng thời xin lỗi vì đã gây hoang mang. Người dùng mạng xã hội này còn nói chỉ chia sẻ bài viết của một người bạn trên Zalo và hiện nay không liên lạc được với người này vì tài khoản đã bị khóa.
Tin cho hay chủ tài khoản này sẽ được cơ quan chức năng mời lên làm việc để xác minh động cơ tung tin.
Mới hôm 20/3, bà Nguyễn Thúy Hằng ngụ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng bị chính quyền phạt 10 triệu đồng vì tung tin thịt lợn nhiễm sán mà bà này xác nhận là hoàn toàn bịa đặt.
Chỉ trong tháng 3 đã có ít nhất 7 trường hợp người dùng mạng xã hội tại Việt Nam bị chính quyền làm việc, phạt hành chính vì các đăng tải liên quan đến dịch lợn tả Châu Phi và thịt lợn nhiễm sán được nhận định sai sự thật.
Trong khi đó, truyền thông trong nước hôm 24/3 cho biết dịch tả heo Châu Phi được phát hiện lần đầu tiên cách đây hơn một tháng tại một số hộ chăn nuôi nhỏ ở tỉnh Hưng Yên nay đã lan rộng toàn bộ 10 huyện, thành phố của tỉnh Hưng Yên, tấn công cả những trang trại lớn quy mô hàng ngàn con.
Bộ Giao thông Vận tải hôm 24/3 cho biết đã có văn bản hỏa tốc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Mọi tình thức vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn, kể cả đã qua chế biến từ các khu vực lây nhiễm vào Việt Nam sẽ bị trừng phạt.