Chính phủ Việt Nam sẽ phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 4% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Đó là thông tin do ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội nêu ra vào phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 17/9 tại Hà Nội.
Với nội dung phiên họp về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn cho biết tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo sẽ giảm xuống dưới 30% vào năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Việt Nam giải thích tình trạng tỷ lệ hộ nghèo gia tăng ở các địa phương là vì bão lũ nhiều, như các tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, mới đây là Thanh Hóa.
Ông Đào Ngọc Dung cũng khẳng định tình trạng hộ nghèo tăng trở lại là vì tình trạng nhiều gia đình tách hộ, chuyển người già yếu thành hộ độc lập để hưởng chính sách hộ nghèo.
Về tình trạng trục lợi chính sách của cán bộ xã, huyện; ông Dung nêu rõ chủ yếu là trục lợi ở các nguồn hỗ trợ, chứ không phải là chính sách. Các trường hợp vi phạm bị phát hiện được ông này báo cáo là đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tổng mức chi từ ngân sách trung ương, ngân sách, vốn huy động xã hội hóa là khoảng 135 tỷ đồng cho các chương trình giảm nghèo thường xuyên của Việt Nam trong 3 năm qua.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết trong 3 năm qua, Việt Nam giảm khoảng 1 triệu hộ nghèo, tỷ lệ bình quân mỗi năm giảm 1,5% hộ nghèo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết thúc phiên họp nhấn mạnh vấn đề giảm nghèo là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.
Bà Ngân còn cho biết trong hai năm tới, cả nước phải có trách nhiệm chăm lo các gia đình chính sách, có công với cách mạng thuộc diện nghèo chiếm tới 1,8% tổng hộ nghèo cả nước.