Sáng ngày 18/6, Quốc hội Việt Nam đã có buổi tranh luận về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính liên quan việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết nhiều đại biểu Quốc hội đã phản đối gay gắt quy định "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ" tại điều 86 theo dự thảo Luật, được coi là biện pháp cưỡng chế để xử lý.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng việc cắt điện, nước thể hiện “sự bất lực của cơ quan chức năng” và “không có tính nhân văn” khi cắt điện lúc trời nắng nóng.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng điện, nước là dịch vụ và được đảm bảo bằng hợp đồng. Đại biểu này cho rằng pháp luật nên tôn trọng và bảo vệ hợp đồng, chứ không thể tạo ra công cụ hành chính can thiệp, cản trở dịch vụ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung hình phạt lao động công ích để xử lý vi phạm hành chính.
Theo lời bà này, việc áp dụng hình phạt lao động công ích tác động trực tiếp đến người vi phạm vì sức lao động không thể thay thế, còn tiền bạc thì có thể vay mượn nộp phạt.
Đại biểu này cho rằng việc nộp tiền phạt có thể không hiệu quả. Bà nêu ví dụ nếu người bạo lực gia đình bị xử phạt tiền thì ảnh hưởng đến nguồn chung của cả gia đình, gia đình trở thành nạn nhân kép.
Đề xuất bổ sung hình phạt lao động công ích để xử lý vi phạm hành chính của đại biểu tỉnh Đồng Tháp được một số đại biểu Quốc hội khác tán thành.