Dự báo cho biết đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long có khả năng sẽ tập trung từ ngày 9-15/2, trùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ngoài ra, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trên cả nước có thể tới 50% trong năm 2021.
Báo Nhà nước Việt Nam hôm 29/1 dẫn phát biểu của hai Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết như vừa nêu.
Tin dẫn lời ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết nguồn nước trên các lưu vực sông ở khu vực miền Bắc từ tháng 2-7 thiếu hụt từ 20-50%. Trong đó, sông Thao và hạ lưu sông Lô là lưu vực thiếu hụt nguồn nước nhiều nhất.
Trong khi đó, từ nửa cuối tháng 1 đến tháng 4, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có lưu lượng dòng chảy ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-30%.
Báo trong nước dẫn lời ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1.
Bên cạnh đó, theo nhận định của Ủy hội sông Mekong Quốc tế, tổng lượng dòng chảy trong tháng 2, từ thượng nguồn sông Mekong tại Campuchia về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, khoảng 5-15%; từ tháng 3-5, khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm.
Phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 80-95km, sông Cái lớn từ 45-52km.
Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung từ ngày 10-15/2 và từ 26/2-2/3, trong tháng Ba sẽ kéo dài từ ngày 12-16/3 và từ ngày 25-29/3.
Ngoài ra, xâm nhập mặn tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn tập trung vào tháng 3, tháng 4, sau đó sẽ giảm dần.