Tính đến ngày 3/9, với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam đã chi tổng cộng chưa đến 400 triệu USD để phòng chống dịch COVID-19; tuy nhiên là nước được đánh giá ngăn dịch hiệu quả nhất.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho báo chí biết thông tin vừa nêu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 HÔM 3/9.
Ông Vũ Đức Đam cũng cho biết, để vừa tổ chức phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, Việt Nam phải mở các chuyến bay thương mại để tăng cường các hoạt động giao lưu, đón khách nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài... Do đó muốn an toàn, theo ông Đam, Việt Nam phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có thay đổi chiến lược xét nghiệm.
Theo các nhà khoa học tại buổi họp, chiến lược xét nghiệm phải thay đổi theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các sân bay quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người... để không bỏ sót các ca nhiễm.
Muốn vậy, theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Việt Nam phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên. Theo ông, hiện nay Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng nguyên sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Tuy nhiên, loại này chỉ đạt hiệu quả cao đối với người nhiễm SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. Còn phương pháp Realtime-PCR cho kết quả chính xác hơn nhưng cần thời gian lâu hơn.
Do đó, để đảm bảo an toàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thực hiện cả hai phương pháp, đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh đồng thời cũng xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime-PCR.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng giao Bộ Y tế hỗ trợ tối đa cho việc triển khai tập huấn sử dụng các loại kit xét nghiệm nhanh do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay.