Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi hôm 20 tháng 11, với tỷ lệ 93,20% tán thành.
Đây là lần thứ tư Luật phòng chống tham nhũng được sửa đổi kể từ lần đầu được thông qua vào năm 2005.
Ba điều luật được sửa đổi trong lần này là điều 30, 64 và 80.
Cụ thể, điều 30 quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, điều 64 quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và điều 80 quy định áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp.
Cũng như những lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trước đây, Quốc hội lần này đã quyết định không chọn phương án mới nào cho xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
Điểm mới là kể từ khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/7/2019, tất cả cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Trước đây chỉ cán bộ từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải kê khai tài sản.
Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này có quy định, kê khai tài sản thiếu trung thực sẽ bị xử lý về mặt đảng và nhà nước. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, nếu cơ quan chức năng chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì sẽ tịch thu, xử lý, nếu có dấu hiệu trốn thuế sẽ xử lý theo luật thuế.
Cũng trong ngày 20 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam khoá XIV đã bế mạc kỳ họp thứ 6 sau khi thông qua 9 luật, lấy ý kiến về 6 dự án luật.
Phát biểu trong lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau gần một tháng làm việc dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng. Và quan trọng nhất theo bà là Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.