Hà Nội: Toạ đàm về văn hoá Ukraine bị phá rối

Hôm 16 tháng 7, một buổi toạ đàm về văn hoá Ukraine được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển Sena ở Hà Nội nhưng đã bị phá rối giữa chừng trong khi một số người bị công an canh cửa không cho đến dự.

Sự kiện này được tổ chức bởi một nhóm nhân sĩ, trí thức từng sinh sống và học tập ở Ukraine.

Đại diện của Sứ quán Ukraine tại Việt Nam gồm bà Tham tán Chính trị Nataliya Zhynkina, và phu nhân đại sứ tham dự; ngoài ra còn có một số sinh viên người Ukraine đang học tập ở Hà Nội cũng có mặt.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh triết, đồng thời là thành viên ban tổ chức buổi toạ đàm, cho biết thêm thông tin về sự kiện này:

“Thật ra thì buổi toạ đàm này gồm những nhân sĩ, trí thức có tên tuổi của đất nước như giáo sư Chu Hảo, giáo sư Trần Đình Sử, giáo sư Trần Thị Băng Thanh, một số anh em làm báo chí, rồi đặc biệt là có nhiều tiến sĩ, giáo sư từng tòng học thành nhân và thành danh ở Ukraine, như giáo sư toán học Nguyễn Ngọc Chu.

Thì đó là những thành phần những người được Ukraine nâng niu, nuôi nấng, dạy dỗ. Bây giờ thành tài, và người ta cũng muốn đến để trò chuyện với nhau, bày tỏ cái tình cảm của mình với nhân dân và đất nước Ukraine.”

Ngoài ra nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cũng cho biết buộc toạ đàm này cũng nhằm mục đích kiến giải câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính, rằng “Việt Nam không chọn bên mà chỉ chọn chính nghĩa”.

Buổi toạ đàm được khai mạc bằng màn trình diễn các nhạc phẩm Ukraine của nhóm cựu học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, thế nhưng khi buổi biểu diễn còn đang dang dở thì bỗng dưng điện bị cắt.

Một số người trước đó cũng cho biết đã bị công an canh cửa và ngăn không cho tới tham dự buổi toạ đàm.

Bình luận về sự cố xảy ra tại buổi toạ đàm, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho hay:

"Thường thường mất điện là sự cố kĩ thuật, nó cắt cầu giao thì mất điện, nhưng mà tôi cho rằng đây không phải là sự cố kĩ thuật mà là sự cố văn hoá, mà sự cố văn hoá thì rất khó khắc phục vì nó nằm ở trong lòng người.

Có người thì muốn cho chúng tôi tự nhiên sinh hoạt văn hoá một cách bình thường, bình dị, thân tình. Nhưng mà có người thì họ không thích thì họ làm việc ấy là vì thế. Thành ra là một cái con số văn hoá nó kém cỏi, nó cũng không hay gì.”

Bất chấp việc gặp phải sự phá rối từ phía chính quyền, buổi toạ đàm vẫn diễn ra như kế hoạch, thậm chí theo nhà hoạt động Đặng Bích Phượng, người chứng kiến trực tiếp, thì sự phá đám đã mang lại tác dụng ngược:

“Nó chỉ bất tiện về cái sự tiện nghi còn mọi người vẫn làm bình thường, vẫn đọc thơ, ông nhạc sĩ ngồi trong bóng tối cùng với cây đàn, chỗ đó là góc tối nhất vì nó xa cửa sổ mà ông vẫn ngồi cần mẫn, tiếng đàn vẫn say sưa trong bóng tối, lúc đó tôi cũng thấy nghẹn ngào xúc động.

Tôi thấy rằng hầu như mọi người rất là bình thản chấp nhận hoàn cảnh đó, và trong bóng tối dàn đồng ca vẫn hát, mọi người vẫn nhiệt thành vỗ tay, và khi mọi người lên đọc thơ thì có người soi đèn. Tôi thấy rất xúc động.”

Đây không phải là lần đầu tiên một sự kiện liên quan đến Ukraine ở Hà Nội bị chính quyền ngăn cản kể từ khi Nga mở cuộc xâm lược hồi tháng 2 năm 2022.

Trước đó, hôm mùng 5 tháng 3, công an Hà Nội cũng đã tổ chức giam lỏng nhiều người dân nhằm ngăn chặn họ tham dự một buổi hội chợ gây quỹ tại đại sứ quán Ukraine.

Sau đó, một sự kiện hội chợ gây quỹ khác được một nhóm người Ukraine sinh sống tại Hà Nội dự định tổ chức vào ngày 19 tháng 3 cũng đã phải huỷ bỏ, do có tác động từ phía công an.

Chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn từ chối gọi cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine là một cuộc xâm lược. Thậm chí quốc gia Cộng sản này cũng liên tiếp bỏ phiếu có lợi cho Nga tại Liên Hiệp Quốc.

Trả lời phỏng vấn của đài RFA qua email, bà Nataliya Zhynkina, Tham tán Chính trị tại đại sứ quán Ukraine cho biết cảm nhận của bà về việc một nhóm nhân sĩ trí thức ở Hà Nội tổ chức sự kiện nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine:

“Tôi tin rằng tất cả chúng tôi đều cảm nhận được rằng mình đang ở trong sự bao bọc của tình bạn. Chúng tôi được nghe những lời tán dương nền văn hoá, lịch sử, lối sống, và con người Ukraine, và cả những lời động viên đến những sự mất mát mà đồng bào tôi đang phải gánh chịu do quân Nga gây ra.

Có lẽ cách tốt nhất để mô tả cảm xúc của chúng tôi đó là sử dụng lời phát biểu của bà phu nhân Iryna ở cuối buổi toạ đàm, bà nói: “Trái tim của chúng tôi quặn đau vì tổ quốc khi mà ngày nào chúng tôi cũng nhận được những tin tức kinh hoàng từ quê nhà. Nhưng bạn có biết khi nào thì nỗi đau dịu lại không? Đó chính là khi nó được chia sẻ bởi những người thân thương, những người Việt Nam đang san sẻ nỗi đau với người Ukraine.”