Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào ngày 31/8 bắt đầu phiên họp lần thứ 29 theo hình thức trực tuyến để bàn về dự thảo Luật Cư trú sửa đổi và tại phiên họp nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục duy trì việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết tháng 12 năm 2022.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin dẫn thông tin tại phiên họp cho biết như vừa nêu.
Tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng đa số người dân đồng tình với việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy vì những vướng mắc trong các thủ tục hành chính nên nhiều đại biểu đề nghị kết thúc sứ mệnh lịch sử của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Bà Trần Thị Dung phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng một số đại biểu thì cho rằng, trong giai đoạn hiện nay điều kiện kỹ thuật cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia với các bộ ngành vẫn còn trong giai đoạn xây dựng, chưa được hoàn thiện nên sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để quản lý và chứng minh thông tin về nơi cư trú vẫn là điều cần thiết.
Ngoài ra, các đại biểu còn nhấn mạnh không tiếp tục duy trì hộ khẩu, sổ tạm trú không có nghĩa là không quản lý cư trú, mà là thay đổi phương thức quản lý sổ giấy sang quản lý bằng khoa học công nghệ hiện đại. Do đó, ông Hoàng Thanh Tùng chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục duy trì quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong một khoảng thời gian nhất định đến cuối tháng 12 năm 2022, nhằm đảm bảo tính khả thi và quá trình chuyển đổi để không gây xáo trộn quá lớn trong dân.
Trước đó, hồi tháng 2/2020 Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật Cư trú theo hướng bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để quản lý dân cư thông qua hình thức mã số định danh cá nhân, việc thay đổi này được Bộ Công an cho là sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.