Khói vàng dày đặc, nghi ngút, cao nhiều mét bất thường tại Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh được xác định là do hệ thống quạt thông khí của lò cao bị hỏng, không ảnh hưởng đến môi trường.
Mạng xã hội chiều 22/10 lan truyền nhiều video clip của người dân sống gần Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (đóng tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho thấy họ đã phát hiện khói màu vàng đục bốc lên nghi ngút, cao nhiều mét tại khu vực lò cao của Công ty này.
Một số người tỏ ra lo lắng khi hồi đầu tháng 10, cũng tại Công ty Hưng nghiệp Formosa đã xảy ra vụ nổ đường ống xưởng đốt khí nhà máy nhiệt điện khiến một người chết hai người bị thương.
Sáng 23/10, trao đổi với truyền thông nhà nước, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết qua kiểm tra làm việc với công ty Formosa Hà Tĩnh, ban giám đốc công ty khẳng định khói màu vàng bốc lên là do quá trình vận hành, hệ thống quạt thông khí của lò cao bị hỏng, nên mới xảy ra sự cố. Ông Hải đồng thời trấn an rằng, sự cố trên, phía công ty cho biết không gây thiệt hại về người, tài sản và cơ bản về môi trường không có vấn đề gì.
Cũng theo ông Hải, ngành chức năng tỉnh ngay sau đó đã yêu cầu ban lãnh đạo công ty tiến hành sửa chữa lại hệ thống quạt thông khí để không xảy ra tình trạng khói bốc cao ra bên ngoài môi trường của công ty.
Liên quan đến công ty này qua việc đã gây thảm hoạ ô nhiễm biển bốn tỉnh miền Trung vào năm 2016 , hôm 7/7/2022, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đề nghị Thủ tướng chính phủ bỏ cơ chế giám sát đặc biệt đối với Formosa, chuyển sang cơ chế kiểm tra, giám sát bình thường. Lý giải nguyên nhân, đại diện Bộ cho biết sau hơn năm năm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung do Formosa gây ra đã được khắc phục.
Bình luận về đề nghị của Bộ TN&MT, một cựu giảng viên về chính sách công của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nói với RFA trong một bài ghi nhận hôm 11/7/2022 rằng:
"Formosa đã có tiền lệ vi phạm nghiêm trọng, gây ra thảm họa môi trường kinh hoàng mà hàng trăm năm sau vẫn còn phải chịu hậu quả. Sau khi vi phạm, họ còn trắng trợn thách thức dư luận khi tuyên bố với chúng ta là chọn thép hay chọn cá. Chứng tỏ, đây là vi phạm có chủ đích.
Hậu quả chưa khắc phục xong, hàng trăm năm sau biển vẫn còn nhiễm độc kim loại nặng. Ngư dân Kỳ Anh bỏ nghề, bây giờ vẫn phiêu bạt tha hương. Hành động bắt cóc bỏ đĩa nếu dừng cơ chế giám sát đặc biệt với Formosa chính là tiếp tay cho họ tiếp tục vi phạm trong tương lai".
Formosa Hà Tĩnh bị xác định là thủ phạm xả thải gây ra thảm hoạ môi trường tại bốn tỉnh miền Trung. Sau sự cố, Công ty đã đứng ra xin lỗi và đền bù 500 triệu đô-la, nhưng không trao cho nạn nhân là những người dân trực tiếp chịu thiệt hại, mà lại trao cho Chính phủ Việt Nam.
Hơn một năm sau sau thảm họa xảy ra, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ thừa nhận sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây nên là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc bốn tỉnh miền Trung.