Việt Nam phúc trình lần 3 về Công ước Các Quyền Dân Sự & Chính Trị

Phái đoàn Việt Nam trong hai ngày 11 và 12 tháng 3 phúc trình tại khóa họp lần thứ 125 của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về Công Ước Quốc Tế Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) lần thứ ba.

Tin cho biết phái đoàn Việt Nam do Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp dẫn đầu, gồm 24 người. Phúc trình được trình bày tại Điện Wilson ở Geneva.

Văn bản phúc trình dài 37 trang giấy A4 cũng được post trên trang chủ của cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Đây là lần thứ ba Việt Nam có phúc trình trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về ICCPR sau khi tham gia ký kết từ năm 1982. Lần thứ nhất vào năm 1989 và lần thứ hai vào năm 2002.

Đối với phúc trình của phái đoàn Việt Nam như vừa nêu, Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam, có phản biện vào ngày 11 tháng 3.

Phản biện được nêu ra trước 18 chuyên gia thuộc Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và người đứng đầu Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam, Ông Võ Văn Ái công bố phúc trình phản biện với 19 khuyến cáo đối với chính phủ Việt Nam.

Theo Ông Võ Văn Ái đúng nguyên tắc thì việc phúc trình về ICCPR phải được tiến hành hai năm một lần trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi ICCPR; tuy nhiên Việt Nam mới chỉ thực hiện ba lần thì sự trì hoãn chứng tỏ không những Hà Nội chẳng tôn trọng nghĩa vụ quốc tế đối với Liên Hiệp Quốc mà còn xem thường các cơ hội để tăng cường bảo vệ các quyền dân sự và chính trị cho công dân.

Chủ tịch Ủy Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam còn cho rằng những thông tin cung cấp qua Phúc Trình của Hà Nội đã lỗi thời, lại phủ nhận mọi bằng chứng hiển nhiên về các cuộc bạo hành, đàn áp chống xã hội dân sự, gia tăng bắt bớ tùy tiện và kết án nặng nề những ai lên tiếng đòi hỏi các quyền được bảo đảm theo Công Ước Quốc tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị.

Trong phản biện nêu ra, Chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận định rằng ‘an ninh quốc gia’ là lớp son hợp pháp để triệt tiêu quyền con người. Các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia trong thực tế là đổ mã trang trí bên ngoài để đàn áp nhân quyền. Chính phủ Hà Nội không phân biệt đâu là hành xử bạo động và đâu là hành xử quyền tự do ngôn luận, nên biến các đòi hỏi nhân quyền ôn hòa thành hoạt động phạm tội.

Thống kê của Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam cho thấy từ tháng giêng năm 2017 đến tháng 2 năm 2018, có 117 nhà hoạt động dân sự, gồm 23 phụ nữ, bị cơ quan chức năng Việt Nam kết án từ 13 đến 20 năm tù.