Gần hai ngàn công nhân ở Tiền Giang yêu cầu ngừng “ba tại chỗ” vì có nhiều bất cập

Gần 2.000 công nhân tại tỉnh Tiền Giang đề nghị lãnh đạo chính quyền và công ty ngừng thực hiện “ba tại chỗ”, thay vào đó lập kế hoạch sản xuất theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, kiểm soát dịch. Trang Vietnamnet loan tin trên trong ngày 20/10.

Theo tin, những công nhân phản ứng phương án "ba tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ - tạm trú tập trung trong doanh nghiệp) thuộc Công ty Sản xuất chế biến Nông thuỷ sản xuất khẩu Thuận Phong, có trụ sở tại thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.

Lý do phản đối phương án “ba tại chỗ” là có nhiều bất cập và gây ra sự không công bằng giữa công nhân (CN) độc thân và đã lập gia đình, phụ nữ có con nhỏ. Ngoài ra, “ba tại chỗ” cũng hạn chế người lao động dẫn đến việc đảo lộn qui trình, dây chuyền sản xuất vốn đã ổn định trước đó, khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng.

Mặc khác, việc duy trì sản xuất “ba tại chỗ” tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và hạn chế sinh hoạt của người lao động.

Hiện tỉnh Tiền Giang được phân loại theo cấp độ dịch là “cấp 2”, ngoài ra 100% CN tại doanh nghiệp (DN) Thuận Phong đã tiêm vắc-xin mũi một, 20% đã tiêm mũi hai. Do đó, đại diện người lao động cho rằng việc áp thực hiện “ba tại chỗ” cho DN không còn giá trị, các tiêu chí thực hiện không còn phù hợp với cấp độ dịch mà cơ quan y tế ban hành.

Trước đó, 11 DN với hơn 60.000 lao động của Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam, đại diện cho cộng đồng DN tại Tiền Giang, cũng đã có đơn kiến nghị gửi trực tiếp tới ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bỏ phương án sản xuất “ba tại chỗ” vì cho rằng phương án này không phù hợp với tình trạng thực tế của các DN phía Nam, đặc biệt các DN có đông CN.

Được biết, tỉnh Tiền Giang đã được phân bổ tổng cộng 468.000 liều vắc xin ngừa COVID-19, cao thứ chín trong cả nước.

Tuy nhiên, theo đơn kiến nghị của các DN, nếu lãnh đạo tỉnh không có kế hoạch và thời gian cụ thể, hợp lý đối với việc phục hồi sản xuất trong tình hình mới, sẽ gây hậu quả nặng nề về đời sống kinh tế cho người lao động cũng như sự sống còn của doanh nghiệp.