Vệ tinh theo dõi tàu biển của Việt Nam không phát tín hiệu

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam được dùng để theo dõi hoạt động của tàu ở Biển Đông đã không phát tín hiệu gì ba tuần sau khi phóng lên quỹ đạo. Một giới chức Việt Nam cho báo chí Nhà nước biết điều này.

Vệ tinh NanoDragon được phóng thành công từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura tại quận Kagoshima của Nhật Bản hôm 9/11 vừa qua.

Đây là vệ tinh được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam và có trọng lượng bốn kg. Vệ tinh được hy vọng sẽ sửu dụng thiết bị tiếp nhận tín hiệu hệ thống định vị tự động (AIS) của mình để giám sát hoạt động của tàu biển, đặc biệt là ở Biển Đông. Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh.

AIS phát tín hiệu vị trí của các tàu và các thông tin khác khiến chúng có thể dễ dàng được theo dõi. Các tàu lớn được yêu cầu phải phát tín hiệu vị trí với AIS để giúp tránh đâm va.

Cho đến lúc này, Việt Nam vẫn theo dõi hoạt động của các tàu bằng cách sử dụng các trạm nhận tín hiệu AIS mặt đất. Việc có một vệ tinh tiếp nhận tín hiệu AIS cụ thể có thể cải thiện đáng kể khả năng theo dõi các tàu tại khu vực Biển Đông nhiều biến động.

Mặc dù vậy, ,22 ngày sau khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, trạm mặt đất của Việt Nam vẫn chưa nhận được tín hiệu nào của NanoDragon, Tiến sĩ Lê Xuân Huy - Phó Giám đốc Trung Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) được báo chí Việt Nam trích lời cho biết.

VNSC hiện vẫn đang tim hiểu điều gi đã xảy ra cho vệ tinh NanoDragon và tìm kiếm giải pháp với đối tác Nhật Bản là MEISEI và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), ông Huy cho biết. Ông cũng nói thêm rằng các kỹ sư của VNSC đang tích cực tìm kiếm các tín hiệu từ vệ tinh.

MEISEI là nhà cung cấp các thiết bị thử nghiệm cho Nanodragon. Vệ tinh đã đi qua bốn vòng kiểm tra độ an toàn do JAXA tiến hành, bao gồm các thử nghiệm về môi trường, độ sốc và các chức năng khác.

Việt Nam lựa chọn Nhật Bản để phóng vệ tinh NanoDragon là một biểu tượng cho mối quan hệ đối tác chiến lược và lòng tin giữa hai quốc gia, theo lời của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Vũ Hồng Nam.

Tuần trước, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nhật gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida kể từ khi ông này nhậm chức vào tháng 10 vừa qua. Hai lãnh đạo đã chia sẻ “những quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông”.

VNSC có kế hoạch sẽ phóng một vệ tinh giám sát mặt đất, LOTUSat-1 vào năm 2023 và hiện vẫn chưa rõ liệu những diễn biến gần đây liên quan đến NanoDragon có làm chậm kế hoạch này hay không.

Việt Nam hiện có sáu vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, ba trong số này do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu chế tạo.