Các doanh nghiệp du lịch phản ứng quy định quá chặt của Bộ Y tế về mở cửa du lịch

Góp ý mở cửa lại hoạt động du lịch sau ngày 15/3 của Bộ Y tế đang gặp nhiều phản ứng từ các doanh nghiệp, những nhà quản lý trong ngành du lịch. Họ cho rằng Bộ đưa ra nhiều qui định quá chặt, khiến việc “mở cửa như không mở”.

Trong hai ngày 2 và 3/3 truyền thông Nhà nước loan tải nhiều ý kiến phản hồi thông qua văn bản góp ý của Bộ Y tế trong việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3.

Nhiều công ty du lịch được tờ Tuổi Trẻ online dẫn lời cho rằng qui định phản hồi của Bộ Y tế lại chọi nhau với quy định của Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch do đó chắc chắn việc đón khách quốc tế từ 15/3 sẽ rất khó khăn.

Theo văn bản khẩn Bộ Y tế gửi Bộ VH-TT-DL để góp ý kiến về dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế muốn thực hiện nghiêm ngặt việc tuân thủ tiêm đủ mũi vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trước khi khách nhập cảnh Việt Nam, và xét nghiệm sau khi nhập cảnh.

Theo dự thảo, khách được tham gia du lịch ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, nhưng Bộ Y tế đòi trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), hành khách không rời khỏi nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 khuyến cáo trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú. Trường hợp ngày thứ 2 và 3 khách cần rời khỏi nơi lưu trú thì phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng ngày (xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR) âm tính.

Du khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 muốn rời khỏi nơi lưu trú phải thực hiện xét nghiệm liên tục hằng ngày.

Chuyên gia Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cho biết với đề nghị của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ không có du lịch quốc tế, mà không có du khách thì sẽ không có hàng không quốc tế hồi phục trong năm nay.

Ông Nam cũng cho rằng, kiểu mở thí điểm như vậy nếu kéo dài chỉ làm doanh nghiệp mệt mỏi hơn và làm mất uy tín điểm đến Việt Nam.

Vị chuyên gia du lịch này cũng khẳng định nếu muốn có khách, không thể thể thực theo đề xuất của Bộ Y tế.

Ông Nam thẳng thắn nhìn nhận rằng nếu du khách đáp ứng điều kiện nhập cảnh, một khi vào Việt Nam thì cần đối xử bình đẳng như khách nội địa. Cần chấm dứt phân biệt đối xử, vì nếu cứ làm khó như vậy thì việc mở sẽ không hiệu quả.

Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho rằng thủ tục hiện nay quá rườm rà sẽ không thể thu hút được khách du lịch quốc tế.

Du lịch Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19 trong suốt hai năm qua. Theo thống kê của ngành du lịch Việt Nam, trong năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% dừng hoạt động; chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.