Chủ tịch Trần Đại Quang mắc vi rút gì?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mắc một loại vi rút hiếm độc nhưng không thể lây nhiễm dễ dàng qua đường tiếp xúc thông thường. Đó là nhận định của bác sĩ Đinh Đức Long, bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, về thông tin bệnh tình của cố Chủ tịch nước sau khi có tin ông qua đời vào sáng ngày 21/9.

Trước đó, truyền thông trong nước trích lời bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Trung ương cho biết ông Trần Đại Quang đã nhiễm phải một loại vi rút hiếm và độc hại, thế giới chưa có thuốc chữa trị.

Vậy một người làm sao có thể nhiễm vi rút mà nhất là một loại virut hiếm theo lời của Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Trung ương? Và liệu người mang vi rút có thể truyền vi rút cho những người tiếp xúc hay không. Bác sĩ Đinh Đức Long giải thích với Đài Á Châu Tự Do:

Đinh Đức Long: Vi rút là gì? Vi rút là bệnh truyền nhiễm. Mà người ta nói chữ hiếm là người ta đã biết nó là gì rồi nhưng người ta không nói ra có nghĩa là ông ấy cố tình giấu. Hiếm là có tên có tuổi chứ không phải lạ. Lạ là chưa biết. Ông ấy biết chắc chắn tên virut và độc hại. Với thông tin đó thì mình có thể nhận định thế này. Như ông Triệu nói thì ông Trần Đại Quang bị phát hiện bệnh từ tháng 7 năm 2017, đến giờ là 14 tháng rồi và đã 6 lần sang Nhật điều trị. Với thông tin như vậy, về góc độ y khoa tôi có thể nói thế này. Một là virut này hiếm có nghĩa là ông ấy biết rồi. Hai là ông ấy vẫn để ông Trần Đại Quang vẫn tiếp các nguyên thủ quốc gia và đi thăm nước ngoài thì mình phải hiểu là virut này có hiếm và độc hại đến mấy thì nó cũng không lây qua con đường sống thường, tiếp xúc thường, ví dụ qua con đường nước bọt, hô hấp, bắt tay, mà nó chỉ có thể lây qua con đường máu, tiêm chích, tình dục mà thôi. Chính vì thế mà họ vẫn để ông Quang họp Bộ Chính trị, tiếp xúc bình thường. Còn nếu nó lây qua đường bình thường thì chắc chắn ông Quang phải bị cách ly, không thể tiếp xúc với mọi người vì nếu không lây cả Bộ Chính trị thì nguy to.

Ông Trần Đại Quang vẫn tiếp các nguyên thủ quốc gia và đi thăm nước ngoài thì mình phải hiểu là virut này có hiếm và độc hại đến mấy thì nó cũng không lây qua con đường sống thường, tiếp xúc thường, ví dụ qua con đường nước bọt, hô hấp, bắt tay, mà nó chỉ có thể lây qua con đường máu, tiêm chích, tình dục mà thôi. - BS. Đinh Đức Long

Theo bác sĩ Đinh Đức Long, virut dù có là loại hiếm đi chăng nữa thì vẫn tồn tại ở môi trường. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Quang bị mà nhiều người khác không bị?

Đinh Đức Long: về nguyên tắc, khi người ta nhiễm virut thì cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại. Vậy thì phải chăng virut chỉ là cái ngọn thôi. Tức là cơ thể ông Trần Đại Quang không thể sản xuất ra các yếu tố miễn dịch như tôi vừa nói…. Ông Triệu chỉ nói cái ngọn thôi. Cho nên là khả năng sức đề kháng của ông ấy kém nên cơ thể ông ấy không chống lại được sự xâm nhập virut từ bên ngoài vào và chết.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu cho báo chí trong nước biết là hiện thế giới chưa có loại thuốc nào có thể chữa trị được bệnh của Chủ tịch Trần Đại Quang mà chỉ có thể giúp chặn lại đẩy lui sự phát triển. Tuy nhiên, thời điểm này vào chu kỳ nên bệnh của Chủ tịch nước trở nặng.

Báo Thanh Niên trích lời Tiến sĩ Phạm Gia Khải, cố vấn Ban bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện mắc bệnh lý máu ác tính và từng đi nước ngoài điều trị. Tuy nhiên do thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên chỉ có thể điều trị duy trì khống chế bệnh.

Báo Thanh Niên cũng trích lời một bác sĩ khác giấu tên nói về việc ghép tủy trong điều trị bệnh máu ác tính và một số bệnh máu lành tính.

Thông tin này cộng với nhiều lời đồn đoán trên mạng từ lâu nay có thể làm cho người ta hiểu là Chủ tịch nước bị ung thư máu như tin đồn trước đó. Bác sĩ Đinh Đức Long giải thích thêm dựa trên các thông tin chính thức:

Đinh Đức Long: tủy xương là nơi sản xuất ra các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Bạch cầu là anh đầu tiên chống lại virut và vi khuẩn từ ngoài vào. Như vậy là khả năng miễn dịch của ông ấy kém mà cái đầu tiên là đáp ứng tủy. Cái gì gây ra? Độc chất, phóng xạ, một số thuốc men cũng gây ra ức chế tủy. Người bình thường thì cơ thể có thể sản sinh kháng thể hoặc người ta có thể truyền interferon, những chất kích thích miễn dịch, nhưng tất cả đây đều không cứu được, mà quá trình dài như vậy thì quá trình suy giảm miễn dịch đã kéo dài ít nhất 14 tháng từ khi phát hiện năm ngoái đến giờ. Đây chỉ là yếu tố cơ hội như nhiễm khuẩn….. Tôi nhớ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày cuối đời tặng họa phải tặng hoa nilon, sát trùng rồi, không thể tặng loại bình thường vì có thể nhiễm khuẩn….

Bản thân tôi không thể hiểu nổi virut hiếm và độc hại thế nào mà từ một nhân vật đang có tần suất hoạt động dày đặc cách đây chỉ vài ngày mà hôm nay chết rồi, chết đột ngột. Nó không tránh khỏi dư luận như trường hợp của Nguyễn Bá Thanh là cái chết của Trần Đại Quang là rất bất bình thường và đầy nghi vấn. - Nhà báo Phạm Chí Dũng

Trong chương trình hội luận với Đài Á Châu Tự Do vào cùng ngày, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập cũng đưa ra một số nghi ngờ xung quanh cái chết của Chủ tịch nước.

Phạm Chí Dũng: chúng ta để ý kỹ cụm từ hiếm và độc hại. Trong thời gian đầu năm 2015, khi đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ một bệnh viện ở Hoa Kỳ về Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu cũng xuất hiện khá thường xuyên và có những phát ngôn về bệnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh khá mập mờ và khó hiểu. Bản thân tôi không thể hiểu nổi virut hiếm và độc hại thế nào mà từ một nhân vật đang có tần suất hoạt động dày đặc cách đây chỉ vài ngày mà hôm nay chết rồi, chết đột ngột. Nó không tránh khỏi dư luận như trường hợp của Nguyễn Bá Thanh là cái chết của Trần Đại Quang là rất bất bình thường và đầy nghi vấn. Và nó giống như trường hợp Nguyễn Bá Thanh và trường hợp Phạm Quý Ngọ. Đó là dư luận nghi vấn rất nhiều trong xã hội. Thậm chí còn cho là Trần Đại Quang bị đầu độc hoặc bị tác động gì đó rất mạnh mà chết.

Ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã qua đời vào tháng 2/2015 sau một thời gian điều trị bệnh ở nước ngoài. Báo chí trong nước lúc đó cũng trích lời các bác sĩ Việt Nam chăm lo sức khỏe cho ông Thanh cho biết ông Thanh đã bị hội chứng rối loạn sinh tủy và đã được các bác sĩ Mỹ quyết định truyền hóa chất để tiến tới ghép tủy. Nhưng do vấn đề thể chất, ông Thanh đã không qua khỏi giai đoạn truyền hóa chất và phải đưa về Việt Nam. Ông Thanh cũng bị phát hiện bệnh trong một giai đoạn khoảng 1 năm trước khi qua đời.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam qua đời đột ngột vào năm 2014 khi vẫn còn là ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng. Ông Ngọ có liên quan đến một vụ án tham nhũng đình đám vào giai đoạn đó ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, khai nhận là đã hối lộ ông Ngọ số tiền lên đến 1 triệu đô la Mỹ. Ông Phạm Quý Ngọ đã bác bỏ thông tin có liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng. Tuy nhiên ngay sau khi có quyết định tạm đình chỉ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an của ông Ngọ do liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” trong vụ án Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, ông Phạm Quý Ngọ đã từ trần vì bệnh ung thư gan.