Sau hai lần hoãn xử, Toà án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đưa ra lịch xét xử sơ thẩm đối với nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà với cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” vào ngày 24/10 tới đây. Bà Ma Thị Thơ, vợ của ông Lê Mạnh Hà cho phóng viên RFA biết tin này hôm 10/10.
Tháng trước, cũng toà án này đã huỷ lịch xử hai lần trong vòng một tuần lễ. Lần thứ nhất vào ngày 19/9, và lần thứ hai vào ngày 26/9 với lý do giám định viên quá bận và không thể có mặt tại phiên toà.
Ông Lê Mạnh Hà, sinh năm 1970, bị bắt vào giữa tháng 1 vừa qua với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông có thể phải đối mặt với án tù từ bảy năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Theo cáo trạng, ông Lê Mạnh Hà làm 21 video clip và 13 bài viết có nội dung “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đăng tải trên hai trang Facebook “Dân oan và nhà báo” và “Dân oan Thuỷ điện,” và kênh YouTube “Tiếng Dân TV Lê Hà.”
Trong đó, 14 video bị cáo buộc là vi phạm “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”; bảy video có nội dung “chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước” theo Điều 16 của Luật An ninh mạng.
Vẫn theo cáo trạng, chín video và chín bài viết có nội dung “sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân” theo Điều 16, Luật An ninh mạng, và một video cùng một bài viết có nội dung “xuyên tạc sự thật, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.”
Trước khi trở thành nhà báo tự do, ông Hà là một dân oan. Trước đây, gia đình ông sống ở huyện Na Hang, nhưng việc xây dựng Thuỷ điện Tuyên Quang đã khiến gia đình ông phải di chuyển nơi sinh sống đến địa bàn thành phố Tuyên Quang từ năm 2004.
Vì mức đền bù do di dời không thoả đáng, gia đình ông cùng hàng trăm hộ dân trong số 4.000 hộ dân phải rời bỏ nhà cửa vì Thuỷ điện Tuyên Quang từng đi khiếu kiện ở nhiều nơi từ cấp tỉnh đến trung ương trong nhiều năm qua mà không được giải quyết.
Ông Hà sở hữu kênh YouTube Tiếng Dân TV Lê Hà với hơn 400 người đăng ký theo dõi và tài khoản Facebook có tên là "Tiếng dân TV - Tiếng nói người dân Việt" chuyên tư vấn pháp lý cho người dân bị mất đất.