Người bào chữa cho nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất nói với Đài Á Châu Tự Do rằng ông “sẽ không ngạc nhiên nếu lại tiếp tục bị gây khó khăn, trở ngại khi thực hiện việc chức nghiệp bào chữa của mình.”
Ông Trương Duy Nhất, cựu trưởng Văn Phòng Đại Diện Báo Đại Đoàn Kết giai đoạn từ năm 1998 đến 2011 ở Thành phố Đà Nẵng bị truy tố với cáo buộc ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 2 Điều 356 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Tuy nhiên, theo người nhà của blogger Trương Duy Nhất, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề ngày 12/9/2019, blogger này bị truy tố theo khoản 3 điều 356. Theo quy định của khoản 3, người phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên, bị phạt tù từ 10 đến 15 năm. Trong khi đó ở khoản 2 của điều này, hình phạt chỉ từ 5 đến 10 năm và phần thiệt hại về tài sản là từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.
Hồi tháng 9/2019, các báo nhà nước dẫn cáo trạng cho rằng ông Trương Duy Nhất lợi dụng chủ trương của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng trong việc tạo điều kiện bán nhà, đất công sản cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Đà Nẵng làm trụ sở và nhiệm vụ được Ban Biên Tập Báo Đại Đoàn Kết giao.
Hôm 9/10, Luật sư Đặng Đình Mạnh, trưởng Văn phòng luật cùng tên, gửi kiến nghị chuyển hồ sơ vụ án hình sự truy tố ông Trương Duy Nhất đến Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử theo thẩm quyền lãnh thổ trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trả lời RFA hôm 8/10, Luật sư Mạnh giải thích:
"Căn cứ vào bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho thấy : Tất cả những hành vi "bị cho" là tội phạm của ông Trương Duy Nhất đều xảy ra tại Đà Nẵng, kể cả tài sản bị xâm phạm cũng tọa lạc tại Đà Nẵng. Do đó, căn cứ theo khoản 1 điều 169 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về thẩm quyền lãnh thổ, thì: "Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện", thì thẩm quyền xét xử vụ án phải là Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử là không đúng thẩm quyền lãnh thổ như pháp luật quy định."
"Thế nên, việc tôi có văn bản gởi các cơ quan tiến hành tố tụng kiến nghị chuyển hồ sơ chỉ có ý nghĩa để bảo đảm tính hợp pháp của cơ quan tài phán mà thôi."
Luật sư Mạnh cũng cho biết rằng ông đã có buổi gặp ông Trương Duy Nhất trong trại giam T16 Bộ Công an hôm 4/10. Ông nói thêm:
"Trước đó, tôi đã dự kiến thực hiện buổi làm việc này vào ngày 27/9. Tuy nhiên, điều tra viên của Bộ Công an đã chủ động điện thoại báo cho tôi biết là họ không thu xếp vào làm việc được và đề nghị tôi hoãn lại. Thoạt đầu, tôi không đồng ý vì không có quy định nào buộc tôi làm việc với thân chủ phải có điều tra viên ngồi cạnh để giám sát cả. Nhưng đến khi điều tra viên nói ẩn ý rằng nếu không có anh ta thì nhiều khả năng tôi sẽ không được trại giam cho phép gặp thân chủ. Tôi hiểu cung cách hoạt động của hệ thống tư pháp Việt Nam nên phải đành hoãn buổi làm việc lại cho đến ngày 4/10."
Đề cập vụ Luật sư Trần Vũ Hải, người ban đầu nhận bào chữa cho ông Nhất, nay đang bị đề nghị truy tố với cáo buộc “trốn thuế", Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ:
"Người tiền nhiệm là Luật sư Trần Vũ Hải đã gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Trương Duy Nhất trong giai đoạn điều tra vụ án. Tôi cũng gặp một phần khó khăn như vậy. Tôi đã đăng ký bào chữa tại Cơ quan Điều tra Bộ Công an, đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và khi hồ sơ chuyển qua đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì tôi mới được cấp thông báo người bào chữa. Cho nên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu lại tiếp tục bị gây khó khăn, trở ngại khi thực hiện việc chức nghiệp bào chữa của mình."
Ngoài ra, Luật sư Mạnh cũng nói thêm rằng trong lần gặp gần đây nhất, ông nhận thấy ông Nhất “rất khỏe, hết sức sôi nổi” và “rất bức xúc, phản ứng rất dữ với cáo buộc, cho rằng mình bị oan".
Nhà báo độc lập/blogger Trương Duy Nhất (sinh năm 1964) từng nổi tiếng với trang blog “Một góc nhìn khác”. Ông từng bị tuyên án 2 năm tù vào năm 2014 với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Ông cộng tác viết blog với Đài Á Châu Tự Do từ năm 2015 sau khi ông ra tù.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, ông đột ngột mất tích khi đang xin quy chế tỵ nạn ở Bangkok, Thái Lan. Theo Ân xá Quốc tế, blogger đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc với sự giúp sức của cảnh sát Thái Lan.
Chỉ đến ngày 25/3, Bộ Công an Việt Nam mới chính thức thông báo blogger Trương Duy Nhất bị bắt giữ và đang bị giam giữ tại Hà Nội, mà không giải thích cụ thể ông bị bắt thế nào.