Hai nhà lãnh đạo tổ chức xã hội dân sự (XHDS) có đăng ký với Nhà nước được giảm án tù trong phiên tòa phúc thẩm sáng 11/8, một người còn lại bị xử trong vụ án khác trong buổi chiều lại bị tuyên y án sơ thẩm.
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội quyết định giảm án cho nhà báo Mai Phan Lợi (Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng - MEC) và ông Bạch Hùng Dương, Giám đốc của tổ chức này.
Ông Lợi được giảm từ 48 tháng tù xuống còn 45 tháng tù, ông Dương được giảm từ 30 tháng tù xuống còn 27 tháng tù, cả hai đều bị kết tội "trốn thuế."
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn thông tin từ tòa phúc thẩm cho biết, việc giảm án cho ông Lợi căn cứ vào việc ông này có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình chủ động khắc phục một phần số tiền trốn thuế, thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải.
Đối với ông Bạch Hùng Dương, việc giảm án căn cứ vào việc bị cáo đồng phạm với vai trò giúp sức nhưng không hưởng lợi gì từ hành vi trốn thuế, bản thân cũng đang mắc bệnh.
Sau khi phiên toà kết thúc, luật sư Huỳnh Phương Nam - người bào chữa cho ông Mai Phan Lợi cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:
"Kết quả phiên toà hôm nay là giảm án ba tháng so với án sơ thẩm. Giảm án là do bị cáo tiếp tục khắc phục một phần số tiền trốn thuế. Số tiền khắc phục thêm 400 triệu nữa. Tổng số tiền trong bản án sơ thẩm quy kết là 1 tỷ 9 trăm bảy mấy triệu có lẻ."
Theo luật sư thì tổng số tiền gia đình của nhà báo Mai Phan Lợi đã nộp là 1,2 tỷ đồng, tuy nhiên luật sư Huỳnh Phương Nam từ chối bình luận thêm về phiên tòa.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, MEC có doanh thu là các khoản tiền tài trợ từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước, với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng nhưng lại trốn thuế.
Ông Lợi bị cho là đã chỉ đạo ông Dương và các cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo qui định của pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp… Số tiền bị cho là trốn thuế là gần hai tỷ đồng.
Ông Mai Phan Lợi từng là Phó tổng thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng đại diện của báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội, tuy nhiên ông bị rút thẻ nhà báo hồi năm 2016 do một thăm dò trên nhóm Facebook Diễn đàn Nhà Báo Trẻ.
Trước khi bị bắt giữ với cáo buộc trốn thuế, ông Lợi đồng thời là sáng lập viên và quản trị của hai nhóm Facebook về báo chí có hơn 100 ngàn thành viên.
Trong phiên xử phúc thẩm vào buổi chiều cùng ngày, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm đối với ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) do ông này không nhận tội và không đồng ý khắc phục số tiền 1,3 tỷ đồng bị cho là "trốn thuế."
Ông Bách bị bắt hồi năm 2021 và trong phiên toà ngày 24/1 năm nay, ông bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án năm năm tù giam.
Cáo trạng cho rằng từ năm 2016 đến năm 2020, tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai các đề tài, đề án, dự án thuộc lĩnh vực pháp luật và chính sách phát triển bền vững do ông Bách làm giám đốc, nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài.
Bà Trần Phương Thảo cho phóng viên RFA biết tuy bà được TAND Cấp cao tại Hà Nội cấp cho thẻ “Người nhà bị cáo” để vào trong phòng xử án theo dõi phiên toà, nhưng lực lượng an ninh không cho bà vào, buộc bà phải ngồi ngoài cổng của toà nhà, và chỉ nhìn thấy chồng khi ông bị đưa vào phòng xử án.
Bà cho biết lực lượng an ninh được bố trí dày đặc khu vực xung quanh toà nhà trụ sở của Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Lực lượng an ninh không cho luật sư mang theo máy tính xách tay và điện thoại vào phòng xử án.
Nhà chức trách Việt Nam không cho phép đại diện ngoại giao của Đại Sứ quán Hoa Kỳ, Đức và Liên minh Châu Âu (EU) đến dự phiên toà với lý do theo bà Thảo thuật lại là “phòng xử án không đủ chỗ ngồi.”
Về kết quả phiên toà, bà nói:
"Kết quả phiên toà hôm nay là y án năm năm tù cho chồng tôi. Tôi là vợ mà không được vào tham dự phiên toà xét xử công khai chồng mình, đấy là một điều tôi vô cùng phẫn nộ và uất ức.
Tôi không quá bất ngờ về phiên toà hôm nay và đã chuẩn bị tinh thần từ trước là sẽ không có gì thay đổi nhiều. Chồng tôi phủ nhận tất cả các cáo buộc, vẫn cho rằng mình vô tội. Quan điểm của hai luật sư cũng theo hướng chứng minh chồng tôi vô tội. Do gia đình tôi không nộp tiền khắc phục hậu quả và đó là lý do toà không có không xét tình tiết giảm nhẹ."
Cả hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11 năm ngoái nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).
Trong năm nay, Việt Nam bỏ tù bốn nhà hoạt động xã hội dân sự với tội danh “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự. Giữa tháng sáu vừa qua, nhà hoạt động môi trường Nguỵ Thị Khanh, lãnh đạo tổ chức GreenID và là người được giải thưởng môi trường danh giá Goldman, bị kết án hai năm tù giam.
Nhiều chính phủ trên thế giới và tổ chức nhân quyền chỉ trích việc Việt Nam đàn áp xã hội dân sự có đăng ký, yêu cầu Hà Nội trả tự do cho bốn nhà lãnh đạo xã hội dân sự nói trên.