Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, hôm 4/2 ra quyết định khởi tố bà Lý Ngọc Thủy (Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Bạch Mai) và Phan Minh Dung (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội - Công ty VFS), bị xác định có liên quan đến vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Truyền thông Nhà nước vào cùng ngày cho biết hai người nói trên bị khởi tố điều tra với tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, cơ quan điều tra đã bắt ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), ông Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó giám đốc bệnh viện); bà Trịnh Thị Thuận (cựu Kế toán trưởng), Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS), và Ngô Thị Thu Huyền (Phó giám đốc BMS).
Thông tin điều tra ban đầu xác định nhóm các bị can đã lên kế hoạch nâng khống nhiều lần các hệ thống thiết bị y tế sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạn khoảng 10 tỷ đồng chênh lệch từ người bệnh.
Cụ thể, Công ty BMS đã cung cấp hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh trị giá khoảng 7,4 tỷ đồng nhưng bị nâng khống lên 39 tỷ đồng. Trung bình mỗi bệnh nhân trong khoảng 550 bệnh nhân đã sử dụng hệ thống robot này phải trả 23 triệu đồng. Số tiền bị chiếm đoạt là 18 triệu của mỗi người bệnh.
Trong diễn biến liên quan, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa có kết luận hôm 2/2 khẳng định việc thu chi tài chính tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ ở Bệnh viện Trưng Vương có nhiều sai phạm. Số tiền thu lợi trái luật bị nói là khoảng 10 tỷ đồng.
Từ năm 2012 đến nay, có ít nhất 6 bác sĩ và một số nhân viên điều dưỡng đã thu tiền bệnh nhân để mua sắm vật liệu nhân tạo cấy vào cơ thể người mà không trình báo với bệnh viện. Số tiền chênh lệch giá từ vật liệu y tế được các bác sĩ thu lợi.
Đặc biệt, cơ quan chức năng TP.HCM cũng xác định tại thời điểm hiện tại, có 11 bác sĩ ở bệnh viện Trưng Vương đã thực hiện 3.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ nhưng chứng chỉ hành nghề không có phạm vi hoạt động chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ.