Mưa lớn tiếp tục diễn ra tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam khiến sạt lở, chia cắt giao thông, một số tỉnh phải sơ tán hàng ngàn hộ dân vì ngập lũ, đã có ít nhất hai người thiệt mạng. Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 30/11.
Cụ thể, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai trong ngày 30/11 cho biết mưa lớn những ngày qua đã làm hai người chết, nhiều tuyến quốc lộ tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum bị sạt lở.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kontum phải sơ tán hàng ngàn hộ dân đến nơi an toàn. Riêng tại Kontum hiện có một xã vẫn đang bị cô lập do sạt lở đất.
Tình trạng sạt lở cũng đang xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa khi trong ngày 30/11, một lượng đất đá lớn gần đèo Cù Hin tràn xuống đường gây ách tắc giao thông đoạn Nguyễn Tất Thành từ Nha Trang đi Cam Ranh.
Tại Lâm Đồng, sạt lở cũng đã xảy ra ở huyện Lạc Dương khiến đoạn đường từ Lâm Đồng đi Khánh Hòa và ngược lại ngang qua quốc lộ 27 bị tắt nghẽn.
Chiều 30/11, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên (BCH) cho biết bốn thủy điện đầu nguồn sông Ba đang ồ ạt xả hồ với lưu lượng lớn khiến nhiều nơi tại Phú Yên nước lũ lên nhanh, ngập sâu, trên mức báo động cấp 3. Nhiều khu dân cư tại các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3 bị ngập gần nửa mét khiến một số nơi bị cô lập.
Chủ tịch UBND Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết đã yêu cầu hai thuỷ điện xả lũ bảo đảm lượng nước về hạ lưu phù hợp lịch thủy triều, giảm thiệt hại cho người dân ở cuối nguồn.
Cũng trong ngày 30/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang –Trần Anh Thư đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đá ở Núi Cấm, thuộc huyện Tịnh Biên. Ông Thư cho biết, một tảng đá lớn khoảng 13 mét khối tương đương 35 tấn đã rơi xuống mặt đường tuyến chính lên núi Cấm. Việc sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng đang đe dọa khu dân cư xung quanh.
Nguyên nhân gây sạt lở đá theo lãnh đạo tỉnh An Giang là do mưa lớn sau bão số 7 đã khiến đất bão hòa nước, mất dần liên kết, cộng với sườn núi Cấm có độ dốc đứng.