Công an tỉnh Bình Dương vào ngày 10 tháng 6 tiến hành bắt giữ hai người mà cơ quan chức năng cáo buộc bị tổ chức phản động dụ dỗ để rải truyền đơn trái phép, nhằm kêu gọi biểu tình tại Khu công nghiệp Sóng Thần ở thị xã Dĩ An.
Theo truyền thông trong nước, hai người bị bắt giữ là anh Trần Minh Huệ 37 tuổi và anh Nguyễn Đình Thành 27 tuổi.
Cơ quan Công an cáo buộc anh Huệ và anh Thành đã vào các trang web của các tổ chức phản động và thực hiện theo lời các tổ chức này để phát tán những truyền đơn kêu gọi người dân tham gia biểu tình gây rối trật tự công cộng.
Công an tỉnh Bình Dương cho biết anh Huệ bị bắt quả tang khi đang phát tán những tờ truyền đơn cho công nhân với nội dung “Kêu gọi người dân tham gia biểu tình phản đối việc xem xét cho thuê đất tại đặc khu kinh tế”.
Trong khi đó, anh Thành bị bắt tại nơi cư trú lúc đang sao chép những bài viết sưu tập trên mạng có nội dung kích động biểu tình với số lượng lên đến 3.300 tờ.
Dù hai người bị bắt bị các tổ chức phản động dụ dỗ, nhưng các bản tin đều không cho biết đó là những tổ chức nào mà cơ quan chức năng Việt Nam gọi là ‘phản động’.
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều người lên tiếng thể hiện không cùng quan điểm với đường lối của Nhà nước đều bị gọi là phản động, bị bắt giữ và trừng trị với tội danh gây rối anh ninh trật tự.
Năm 2017 và đầu năm 2018 được đánh giá là giai đoạn đàn áp nhân quyền trầm trọng nhất trong lịch sử nhân quyền vốn bị nói là nhem nhuốc của Việt Nam. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tháng 4 vừa qua đã công bố phúc trình về tình hình nhân quyền Việt Nam, trong đó lên án tình trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận, lập hội, báo chí, tôn giáo, cũng như tình trạng tra tấn, đối xử tàn ác, hạ phẩm giá con người vẫn bị Việt Nam sử dụng với những tiếng nói bất đồng.