Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) hôm 11-3-2021 ra nghị quyết lên án bạo lực chống lại người biểu tình Myanmar và kêu gọi quân đội thể hiện sự kiềm chế, tuy nhiên nghị quyết không tố cáo việc tiếp quản quân sự là một cuộc đảo chính hoặc đe dọa có các hành động tiếp theo.
Trước đó, theo Reuters, bốn nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã phản đối những câu chữ lên án đảo chính và đe dọa có biện pháp tiếp theo đối với chính quyền quân sự Myanmar trong dự thảo tuyên bố chung do Anh soạn thảo.
Cuối cùng, đến rạng sáng 11-3 (giờ Việt Nam), sau hơn 24 tiếng trì hoãn, các thành viên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) mới đạt được đồng thuận.
Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hạn chế đối với nhân viên y tế, xã hội dân sự, thành viên công đoàn, nhà báo và nhân viên truyền thông, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ một cách tùy tiện.
Các thành viên Hội đồng, thông qua tuyên bố, bày tỏ sự ủng hộ tiếp tục đối với quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các thể chế và quy trình dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng đầy đủ các quyền con người và pháp quyền.
Việt Nam trong năm ngoái cũng cùng với Trung Quốc chặn một tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về ngăn chặn nạn diệt chủng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar.
Hơn 60 người biểu tình đã bị giết và khoảng 2000 người đã bị lực lượng an ninh bắt giữ kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 chống lại nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi, nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết.
Hôm 10-3, các lực lượng an ninh bắn hơi cay và đạn cao su đã bao vây hàng trăm người biểu tình chống chính quyền vào đêm khuya tại hai quận của Yangon - thành phố lớn nhất của Myanmar.
Một số người biểu tình tìm cách trốn thoát các cuộc phong tỏa do cảnh sát thiết lập trên các đường phố xung quanh đã kể về nhiều vụ bắt giữ và nói rằng một số người bị bắt đã bị đánh đập.
Trong một nỗ lực nhằm gia tăng áp lực lên quân đội Myanmar khi tiếp tục đàn áp biểu tình, Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 10-3 cũng đã đặt các lệnh trừng phạt đối với hai người con của Thống tướng Min Aung Hlaing và sáu công ty mà họ kiểm soát.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, Vương quốc Anh cũng đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới.