Liên Hiệp Quốc: Chính phủ Việt Nam và Samsung đe dọa những nhà hoạt động và công nhân

Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc hôm 20/3 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về điều kiện làm việc của công nhân nữ ở các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, và việc các nhà hoạt động về quyền của người lao động bị xách nhiễu vì điều tra tình trạng làm việc ở Samsung.

Hồi tháng 11 năm ngoái, một tổ chức phi chính phủ về môi trường và sức khỏe (IPEN) kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) công bố báo cáo cho biết các nữ công nhân Việt Nam làm việc cho những nhà máy của Samsung tại Khu Công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, thường xuyên gặp các vấn đề về sức khỏe vì điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Samsung Điện Tử Việt Nam sau đó đã đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc được đưa ra trong báo cáo.

Tuy nhiên, theo thông báo mới của UN, giới chức Việt Nam đang tiến hành điều tra về báo cáo này.

Các chuyên gia của UN cho biết họ rất quan ngại khi biết rằng một số những người tham gia nghiên cứu cho báo cáo đã bị giới chức chính quyền triệu tập. Cụ thể là bà Phạm Thị Minh Hằng, người đứng đầu báo cáo, đã bị yêu cầu phải đến gặp giới chức chính quyền vào hôm 19/3 sau khi trở về từ một cuộc họp về các biện pháp bảo vệ tránh hóa chất độc tại Stockholm, Thụy Điển.

Các chuyên gia của UN yêu cầu Samsung phải làm rõ những cáo buộc cho biết các công nhân của công ty này bị đe dọa sẽ bị kiện nếu nói chuyện với người ngoài về tình trạng làm việc của họ, sau khi báo cáo hồi năm ngoái được công bố.

Tuyên bố của UN cũng khẳng định việc đe dọa những nhà hoạt động về quyền của người lao động và của công nhân không chỉ vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến mà còn đóng góp vào việc giúp cho những người vi phạm quyền của người lao động không bị trừng phạt. Những vi phạm như vậy làm ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của chính phủ và các công ty liên quan đến các vấn đề nhân quyền theo Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền.