Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 21/1/2022 bày tỏ quan ngại sâu sắc về cáo buộc cưỡng bức lao động đối với một nhóm chừng 400 công nhân Việt Nam bị ‘buôn’ sang Serbia làm việc cho một công ty Trung Quốc.
Thông cáo báo chí phát đi từ Geneva, dẫn nguồn thông tin mà nhóm chuyên gia nhận được. Theo đó, có tám công ty, trong đó có những cơ quan tuyển dụng lao động Việt Nam và công ty xây dựng Trung Quốc đăng ký ở Serbia, bị cáo buộc dính líu vào những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với công nhân xuất khẩu Việt Nam.
Các chuyên gia độc lập được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chỉ định được dẫn phát biểu nói rằng: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng những công nhân này có thể bị buôn bán với mục đích phải lao động cưỡng bức. Họ phải sống và làm việc trong những điều kiện ghê sợ ở Serbia với nguy cơ nghiêm trọng cho mạng sống, sức khỏe của họ."
Nhóm các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại khi có cáo buộc rằng những tổ chức xã hội dân sự không được phép tiếp cận nơi công nhân đang ở để hỗ trợ cho họ.
Trước tình trạng đó của các công nhân Việt Nam, các chuyên gia LHQ thúc giục chính phủ Serbia, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc phải bảo đảm rằng mọi doanh nghiệp, công ty trên liên quan phải tôn trọng mọi quyền con người của công nhân.
Các chuyên gia LHQ cũng có văn bản gửi đến tám công ty bị cáo buộc yêu cầu họ thực thi những trách nhiệm được quy định trong Những Quy tắc Chỉ dẫn về Doanh Nghiệp và Nhân quyền của LHQ.
Hồi tháng 10 và 11 năm ngoái, một số tổ chức theo dõi nhân quyền ở Serbia lên tiếng tố giác có khoảng 500 lao động Việt Nam làm việc cho Công ty Trung Quốc Shandong Linglong Tire trong dự án xây nhà máy lốp xe ở Thành phố Zrejanin, tỉnh Voivodine ở mạn bắc Serbia bị bóc lột, thậm chí bị đối xử như nô lệ.
Đích thân Tổng thống nước sở tại vào ngày 19/11/2021 thông báo đã cử một thanh tra lao động đến để tìm hiểu tình hình.