Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, trong "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh: Định hướng phát triển trong 10 năm tới" được ký hôm thứ Tư 30/9 tại Hà Nội có đoạn: "Chúng tôi nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở để xác định phạm vi của các vùng biển, chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của các vùng biển; và UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương phải tuân thủ."
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Quốc vụ khanh thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao, Thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh, Dominic Raab tại Hà Nội.
Ông Rabb đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày 29 và 30/9, khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Theo tuyên bố, Việt Nam và Vương quốc Anh tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thực thi UNCLOS một cách thiện chí, giải quyết các tranh chấp trong hòa bình không đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng ngoại giao và các quy trình pháp lý dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Hai bên tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động cản trở, cải tạo và quân sự hóa các cấu trúc đang có tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế vũ lực khi tiến hành các hoạt động trên biển, cũng như tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Việt Nam gọi vùng biển này là Biển Đông.
Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và khả thi, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, và không đe dọa quyền của các quốc gia hoặc lợi ích của các bên thứ ba theo luật pháp quốc tế.
Trước đó, vào ngày 16 tháng 9, Anh cùng với Pháp và Đức đã đệ trình một công hàm lên Liên Hợp Quốc để chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Công hàm nêu rõ, việc Trung Quốc thực hiện cái gọi là ‘quyền lịch sử’ của mình trên biển, không tuân thủ luật pháp quốc tế. Với tư cách là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), ba nước Anh Pháp Đức tái khẳng định tính toàn vẹn của UNCLOS cần được duy trì, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do trên biển, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không.