Liên Hiệp Quốc: Đại diện Việt Nam khẳng định chủ trương bảo vệ nhân quyền, kêu gọi không chính trị hoá vấn đề nhân quyền

Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva, hôm 23/6 phát biểu trước diễn đàn này rằng Việt Nam luôn có chủ trương nhất quán trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, đồng thời kêu gọi các nước không chính trị hoá vấn đề nhân quyền để can thiệp vào chuyện nội bộ hoặc để chỉ trích các quốc gia khác. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin này hôm 23/4.

Phát biểu này được Đại sứ Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai đưa ra tại phiên đối thoại với Cao uỷ nhân quyền UN nhân Khoá họp lần thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền UN đang diễn ra tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

Bà Mai ngoài việc khẳng định chủ trương bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của Việt Nam, cũng khẳng định sự ủng hộ của chính quyền Việt Nam đối với công việc của Cao uỷ Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền UN, ủng hộ tiến hành đối thoại thực chất, mang tính xây dựng về các vấn đề nhân quyền.

Ngoài ra, đại diện Việt Nam cũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm việc thụ hưởng các quyền cơ bản của người dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19, với ưu tiên cao nhất là tính mạng và sức khoẻ của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nói về Quỹ vắc-xin, bà Mai khẳng định việc Chính phủ lập quỹ và được người dân ủng hộ là một biện pháp để đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng quốc gia nhằm hướng đến hồi phục bao trùm sau đại dịch.

Cũng trong khuôn khổ Khoá họp thứ 47, Việt Nam đặt sự chú ý vào quyền con người trong biến đổi khí hậu.

Theo truyền thông Nhà nước, Việt Nam dự kiến sẽ thay mặt Nhóm nòng cốt gồm Bangladesh, Philippines và Việt Nam giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2021 về biến đổi khí hậu và quyền con người.

Trong các năm qua, Việt Nam gặp nhiều chỉ trích từ một số nước như Mỹ và EU về tình trạng vi phạm nhân quyền. Mỹ và EU cũng duy trì các đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam.

Nhóm làm việc chống bắt người tuỳ tiện của UN cũng thường xuyên đưa ra các kết luận về tình trạng bắt giữ người tuỳ tiện ở Việt Nam và kêu gọi Hà Nội phải trả tự do cho những người này, thay đổi các điều luật mù mờ thường được dùng trong việc kết án những người hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền.

Theo Báo cáo về nhân quyền của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam mới đây, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 79 tù nhân lương tâm trong năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021. Việt Nam hiện đang giam giữ 288 tù nhân lương tâm.