Tham nhũng cố hữu trong khu vực công đang làm xói mòn niềm tin của người dân, đặc biệt là những lo ngại về quan hệ thân hữu khi bổ nhiệm các chức vụ.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023) của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố hồi đầu tháng này nhận định như vậy.
PAPI đã được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2011. Trong báo cáo mới nhất đã có 19.536 người tham gia khảo sát và được lựa chọn ngẫu nhiên trên cả nước.
PAPI đánh giá tám chỉ số chính bao gồm: sự tham gia của người dân ở cấp địa phương, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng ở khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, quản trị điện tử.
PAPI 2023 cho thấy có tiến bộ trong khía cạnh kiểm soát tham nhũng khu vực công và quản trị điện tử trong khi trách nhiệm giải trình với người dân ở khâu đưa ra quyết định tại địa phương lại giảm sút. Cung ứng dịch vụ công vẫn tương đương như khảo sát năm 2022.
Cũng theo báo cáo, mặc dù có cải thiện nhẹ trong nhận thức về kiểm soát tham nhũng ở địa phương nhưng quan ngại về tham nhũng vẫn cao trên toàn quốc.
Hà Nội và TPHCM là hai nơi có chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” lần lượt là 6,73 và 6,63 – đều thuộc mức “Trung bình thấp”, theo đánh giá trong báo cáo mới.
Mức này của Hà Nội vào năm 2022 là 6,8 và TPHCM là 6,32.
Trách nhiệm giải trình trogn quản trị cũng cho thấy bước tụt dốc đáng kể trong năm 2023, theo báo cáo. Điều này đặt ra những thách thức trong việc chống tham nhũng trong khu vực công. Sự tụt dốc này, đặc biệt là về minh bạch trong ngân sách và chi tiêu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận với thông tin chính xác để các quan chức phải chịu trách nhiệm.